2024 là năm doanh nghiệp thích nghi với những thay đổi

Đây là thông tin được FiinRatings đưa ra mới đây trong Báo cáo Triển vọng thị trường vốn nợ của Việt Nam năm 2024.

Theo FiinRatings, năm 2024 sẽ có những thay đổi lớn trong môi trường lãi suất và điều kiện tín dụng, môi trường pháp lý với các văn bản, luật và quy hoạch trong các lĩnh vực chủ chốt đã được thông qua và chuẩn bị bước vào giai đoạn có hiệu lực.

Đồng thời, năm 2024 sẽ là năm bầu cử lớn với hơn 75 quốc gia và hơn 4,2 tỷ người trong số 8,1 tỷ người trên thế giới sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia hoặc khu vực lớn, bao gồm một số quốc gia đông dân nhất thế giới (Ấn Độ, Mỹ, EU, Indonesia, Nga, Mexico, hay Hàn Quốc).

Các sự kiện này sẽ góp phần đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, với những thay đổi và biến động lớn trong môi trường kinh doanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh đó, FiinRatings cho rằng khả năng thích nghi chính là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và thách thức, để có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thích nghi với những thay đổi trong khung pháp lý

Xét về mặt chính sách và yếu tố pháp lý, hàng loạt các luật liên quan đến các lĩnh vực quan trọng đã được thông qua bởi Quốc hội, trong đó có thể kể tới Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.

Các luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, do đó năm 2024 sẽ là một năm chuẩn bị và thích nghi đối với các tổ chức và doanh nghiệp liên quan.

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định sửa đổi theo chiều hướng chặt chẽ hơn để góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại từ sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, từ đó minh bạch hoạt động công bố thông tin, tuân thủ và thực thi.

Đối với Luật Đất đai, nhiều điểm mới quan trọng được đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất, bao gồm việc bổ sung quy định và nguyên tắc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai và quản lý nhà nước về sử dụng đất.

Đối với Luật Nhà ở, các quy định đặt ra theo thiên hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu với nhà ở xã hội và tăng thêm ưu đãi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án phân khúc này, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Luật Kinh doanh Bất động sản cũng quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư và điều kiện chuyển nhượng, giao dịch bất động sản. Đây là động thái nhằm thanh lọc, minh bạch hóa, thúc đẩy thị trường bất động sản bước vào một chu kì phát triển mới sao cho phù hợp là một động lực quan trọng trong chiều hướng đi lên của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, còn có các dự án trọng điểm đóng vai trò bệ phóng cho sự phát triển của đất nước trong Quy hoạch điện VIII, các dự án hạ tầng nằm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tiếp tục được tiến hành là động lực thu hút dòng tiền đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn.

FiinRatings đánh giá các chính sách của Chính phủ đưa ra vừa mang tính chất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phục hồi của các ngành trọng yếu, vừa đề cao tính chặt chẽ, minh bạch và bền vững trong phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, yếu tố này sẽ đem lại cơ hội đối với những tổ chức, đơn vị có thể thích ứng với điều kiện thay đổi cả về mặt vĩ mô và pháp lý.

Chuyên gia của FiinRatings cho rằng, các doanh nghiệp nên xem việc tuân thủ một lợi thế chiến lược, thay vì thiên về gánh nặng pháp lý. Bằng cách thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn pháp lý, doanh nghiệp có thể nâng cao danh tiếng, tạo dựng niềm tin giữa các nhà đầu tư và thu hút vốn từ nhiều nguồn khác nhau

Thích nghi với môi trường tín dụng và điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn

Theo nhóm phân tích, trong giai đoạn lãi suất toàn cầu ở mức rất thấp, các doanh nghiệp có thể ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Thống kê 50 doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, mức nợ vay đã tăng trung bình khoảng 67,5% từ năm 2018 đến năm 2023, trong khi đó doanh thu chỉ tăng trung bình 36,4% và lợi nhuận sau thuế thậm chí chỉ duy trì ở mức tương đương.

"Với quá trình tăng lãi suất và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, việc đánh giá một cách thận trọng các lựa chọn tài chính và quản trị tài chính trở nên quan trọng hơn.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ cần chú trọng nhiều hơn về quản trị rủi ro cũng như quá trình theo dõi sau đầu tư, phát triển những chiến lược đầu tư và phân bổ tài sản linh hoạt, để có thể có được hiệu quả sử dụng vốn ở mức tối ưu và bền vững", chuyên gia của FiinRatings lưu ý.

Ngoài ra, nhóm phân tích cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần thích nghi với những chiến lược và mô hình kinh doanh mới. Việc thích ứng để đưa ra các chiến lược kinh doanh mới đòi hỏi sự cân bằng trong văn hóa doanh nghiệp, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và linh hoạt trong quá trình triển khai.

Theo FiinRatings, các doanh nghiệp có thể cần nghiên cứu các lựa chọn đầu tư thay thế để phù hợp môi trường lãi suất và tín dụng đang thay đổi. Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi chiến lược trọng tâm, hướng tới các khoản đầu tư mang tính dài hạn, ổn định hơn nhằm cải thiện khả năng chống chịu khi điều kiện trên thị trường tài chính thay đổi.

Hơn nữa, việc thích ứng với quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có sự trao đổi, giao tiếp hiệu quả với các bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư, chủ nợ và các đơn vị trung gian.

Bằng cách chủ động thúc đẩy tính minh bạch, thích ứng với những thay đổi về quy định, doanh nghiệp có thể xây dựng và khẳng định uy tín, hỗ trợ xây dựng nền tảng cho việc hợp tác lâu dài với các đối tác, giúp củng cố niềm tin vào sự ổn định về cả năng lực kinh doanh và tài chính.

Theo Hoàng Hà/thitruongtaichinhtiente.vn