Anh mạo hiểm lựa chọn 'sống chung với Covid-19', WHO cảnh báo thận trọng

Không chỉ Anh, một số quốc gia cũng tính đến phương án này, trong bối cảnh dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau hơn 1 năm rưỡi bùng phát.

Ảnh minh họa: BBC

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, từ ngày 19/7 tới, các biện pháp hạn chế bắt buộc sẽ được thay thế bằng “trách nhiệm cá nhân” khi Anh chuyển sang giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa. Sự chuyển hướng chiến lược này cũng đồng nghĩa với việc người dân Anh sẽ có thể tháo bỏ khẩu trang sau nhiều tháng bắt buộc, mặc dù biện pháp này vẫn được khuyến khích trong một số không gian kín như giao thông công cộng.

“Tôi có tiếp tục đeo khẩu trang hay không? Như tôi đã nói, điều này sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh. Những gì chính phủ đang cố gắng làm là chuyển từ một chính phủ điều hành, sang dựa vào nhân dân, dựa vào trách nhiệm của mỗi cá nhân. Rõ ràng, có sự khác biệt lớn giữa khi bạn đi trên một chuyến tàu đông đúc với việc ngồi trong một toa tầu hầu như trống rỗng vào ban đêm”, ông Boris Johnson nói.

Anh đã ghi nhận hơn 128.000 ca tử vong do Covid-19, cao thứ 2 châu Âu sau Nga và các ca mắc đang gia tăng do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Các trường hợp được xác nhận đã tăng từ khoảng 2.000 người mỗi ngày từ hồi đầu năm nay lên tới 25.000 người trong tuần qua. Tuy nhiên số ca tử vong dưới 20 người mỗi ngày.

Các quan chức y tế công cộng Anh khẳng định, chương trình tiêm chủng của nước này đã làm suy yếu mối liên hệ giữa mắc bệnh và tử vong. Cho tới nay, 86% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 64% được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm cho tất cả người dân trên 18 tuổi từ nay đến giữa tháng 9/2021. Theo Thủ tướng Boris Johnson, Anh sẽ phải “học cách sống chung với loại virus này”, một sự thay đổi lớn so với tuyên bố trước đây coi “Covid-19 là một kẻ thù cần phải tiêu diệt”.

Không chỉ Anh, một số quốc gia cũng đang tính đến chuyện chuyển hướng chiến lược sang “sống chung với Covid-19”, trong bối cảnh sự xuất hiện liên tiếp của những biến thể mới nguy hiểm hơn khiến cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa thể kết thúc sau hơn 1 năm rưỡi bùng phát. Chính phủ Singapore hồi tháng 6/2021 cũng thông báo, một lộ trình chuyển sang trạng thái bình thường mới đang được vạch ra, được thực hiện song song với các mục tiêu tiêm chủng. Cũng giống như Anh, Singapore đang chứng kiến việc tiêm chủng dường như đã đạt hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Hầu hết những người dân được tiêm chủng đầy đủ đều không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ ngay khi đã nhiễm bệnh.

Tuy nhiên trong bối cảnh các ca bệnh liên quan tới Covid-19 vẫn tăng cao, chiến lược “sống chung với dịch bệnh” vấp phải những ý kiến trái chiều. Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng, thiệt hại kinh tế và xã hội mà các biện pháp hạn chế gây ra là quá lớn, thì những ý kiến phản đối cảnh báo các chính quyền “đang chơi với lửa”. Việc nới lỏng các hạn chế trong thời gian gia tăng các ca mắc mới có thể dẫn đến hình thành biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Người đứng đầu Cơ quan khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan khuyến cáo: “Chúng ta muốn trở lại bình thường. Nhưng tôi nghĩ điều này còn rất sớm. Chúng ta chỉ cần kiên nhẫn hơn một chút. Đừng quên bài học hồi mùa hè năm 2020 khi mọi thứ trở nên tốt đẹp và mọi người đều cảm thấy thoải mái, nhưng sau đó tháng 9, tháng 10 mọi chuyện lại trở nên khó khăn. Chúng ta sẽ lại phải đối mặt với một biến thể dễ lây lan hơn và đó thực sự là vấn đề".

Cả thế giới đang dõi theo Anh để đánh giá việc sống với Covid-19 và tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ dẫn đến điều gì. Những tuần tới sẽ quyết định liệu nước Anh có đúng hay không hay nước này sẽ rơi vào làn sóng nhập viện mới./.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)