Áp lực của người đại biểu dân cử

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 24-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đã đưa ra kiến nghị về việc bắt buộc gắn camera theo dõi hành trình cho xe máy. Đại biểu Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc bắt buộc gắn camera theo dõi hành trình cho xe máy sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo thống kê của trí tuệ nhân tạo Bard, thì đến ngày 28-11, đã có đến 100.000 ý kiến của công chúng bình luận trên mạng xã hội về kiến nghị nói trên.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng đại diện các sở ngành giám sát tiến độ triển khai Dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Các ý kiến ủng hộ là không ít. Tuy nhiên, các ý kiến phản đối lại khá nhiều. Rủi ro là các ý kiến phản đối thường khá bỗ bã và thiếu kiềm chế. Và các ý kiến này có vẻ đang chiếm ưu thế trên mạng xã hội. Được công chúng bình luận đến hàng trăm ngàn lượt trên mạng xã hội còn có phát biểu của các vị ĐBQH Trần Thị Thu Phước (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) về vấn đề kiểm soát các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số; Nguyễn Thị Lệ Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) về vấn đề cải cách chính sách thuế; Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) về vấn đề lãng phí đất đai; Lê Xuân Tùng (đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) về vấn đề giáo dục…

Cũng như ĐBQH Nguyễn Văn Thanh, đối với các ĐBQH nói trên, bình luận của công chúng đều có khen, có chê. Quả thực, sự giám sát của cử tri và của công chúng đối với các đại biểu dân cử là rất nghiêm ngặt. Truyền thông số và mạng xã hội đang làm cho sự giám sát nói trên ngày càng trực tiếp và hiệu năng hơn. Sự giám sát của cử tri, tất nhiên, đang tạo ra áp lực rất lớn cho các vị đại biểu dân cử nói chung.

Tuy nhiên, đây là điều kiện tiên quyết để vận hành thể chế dân chủ - một thể chế mà Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Với sự giám sát ngày càng tăng cường và ngày càng hiệu năng của cử tri, các vị đại biểu dân cử quả thật cần quan tâm nhiều hơn đến việc hành xử cho “đúng vai” và “thuộc bài”.

“Đúng vai” là hành xử như người đại diện cho lợi ích của dân, của cử tri; “thuộc bài” là hành xử như một chính khách có trình độ. “Đúng vai” đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ mọi phản ứng chính sách nhìn từ quyền, lợi ích và điều kiện thực tế của cử tri. Chỉ quan tâm đến việc tăng cường quản lý là không khéo đang diễn sai vai, là lấn sang sân của các cơ quan hành chính. Để thật sự đại diện được cho nhân dân, thì tham vấn ý kiến của công chúng là vô cùng quan trọng. Thúc đẩy những cơ chế, chính sách phục vụ lợi ích của cử tri cũng là hành xử “đúng vai”.

Nếu những cơ chế, chính sách vượt trội trong Nghị quyết số 98/2023/ QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của Quốc hội phục vụ lợi ích của nhân dân TPHCM, thì các đại biểu dân cử, trước hết là đại biểu của thành phố, cần thúc đẩy và giám sát việc thực thi nghị quyết này. “Thuộc bài” đòi hỏi các đại biểu dân cử phải trang bị cho mình những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm quan trọng của một chính khách.

Những kỹ năng cứng gồm: 1. Sự hiểu biết về pháp luật, chính sách; 2. Kiến thức về văn hóa và thái độ xã hội; 3. Kỹ năng học hỏi và ban hành chính sách mới. Những kỹ năng mềm có: 1. Kỹ năng phân tích; 2. Kỹ năng truyền thông; 3. Kỹ năng giải quyết vấn đề; 4. Kỹ năng kết nối và hình thành mạng lưới; 5. Kỹ năng đàm phán và tranh luận. Đáng tiếc là hiện vẫn chưa có trường lớp nào dạy những kỹ năng như vậy cho các vị đại biểu dân cử trước khi họ được bầu. Các vị đại biểu chỉ có thể tự học hỏi hoặc học hỏi thông qua các đại biểu đi trước và qua thực tế của nghị trường.

Đây là cách thức học hỏi và hình thành kỹ năng rất tốn kém thời gian, công sức. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của các kỳ họp các cấp, tôi tin rằng những đại biểu dân cử nói chung, nếu hoạt động tận tâm, trách nhiệm, luôn đau đáu với cử tri, sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo nên những đổi thay của không chỉ TPHCM mà còn của đất nước ngày một tốt hơn.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG