Bài toán nan giải

Ảnh minh họa

Lý do chính vẫn là do mức lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng khiến người lao động không mặn mà. Trong khi đó, lượng lao động trẻ lại sẵn sàng “nhảy việc” bất cứ lúc nào khiến DN đau đầu.

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cho thấy, thị trường lao động 5 tháng đầu năm nhu cầu tập trung ở phân khúc lao động phổ thông, chiếm gần một nửa tổng số. Trong khi đó nhu cầu tuyển lao động đại học, trên đại học chỉ khoảng 19%.

Ở chiều ngược lại tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn cao, ở mức gần 8%. Còn khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên cả nước).

Thị trường lao động đang tồn tại một nghịch lý là lao động phổ thông thất nghiệp rất nhiều nhưng các DN lại không tuyển đủ lao động như mong muốn. Điều này có nguyên nhân từ việc hiện nay cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Lao động phổ thông có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online; chạy grab... miễn là có thu nhập cao. Vì thế, sẽ rất khó để DN tuyển dụng lao động nếu không có mức tiền lương và chế độ làm việc hấp dẫn với người lao động.

Một khó khăn khác, giữa bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều thách thức, không ít DN muốn ổn định nguồn nhân lực hiện có và dốc sức đào tạo người lao động trẻ mới tuyển, song đa số lực lượng lao động trẻ thế hệ Gen Z (lứa tuổi từ 15 – 24) lại thích “nhảy việc”.

Dựa trên một cuộc khảo sát mới đây, 62% lao động trẻ dưới 25 tuổi cho biết, họ đã “nhảy việc” ngay trong năm đầu đi làm, thậm chí, “nhảy việc” nhiều lần trong cùng một năm.

Trong khi đó, lực lượng này đang chiếm thị phần lao động lớn trong cơ cấu lao động ở Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ năm 2022 của Tổng cục Thống kê, lứa tuổi từ 15 - 24 chiếm 10% lực lượng lao động. Năm 2023 chiếm chiếm khoảng 25% và dự báo năm 2025, lực lượng này sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu lao động.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định “nhảy việc” của Gen Z, cả lý do khách quan và chủ quan. Họ sẵn sàng và vui vẻ từ bỏ công việc không thõa mãn yêu cầu của họ, thậm chí “nhảy việc” khi chưa có kế hoạch dự phòng.

“Nhảy việc” không xấu, tuy nhiên cũng nên suy xét kỹ. Trên thực tế, không ít nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu với người hay “nhảy việc”. Họ cho rằng những người trẻ thiếu nghiêm túc, mang trong mình suy nghĩ “đứng núi này trông núi nọ”. Bên cạnh đó, “nhảy việc” có thể mang đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các bạn trẻ.

Từ thực trạng này, cả hai phía cần phải nhìn nhận lại chính mình. Về phía DN, đặt ra bài toán trong công tác quản trị, làm thế nào để nâng cao khả năng thu hút và giữ chân nhân sự, đặc biệt thế hệ nhân sự trẻ với nhu cầu khác biệt và đầy cá tính.

Về phía các bạn trẻ, cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định công việc, đặc biệt là tự rèn luyện, sẵn sàng dấn thân với áp lực công việc và những trải nghiệm mới mẻ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ Gen Z trong quá trình tìm kiếm việc làm và phát triển bản thân, bao gồm việc cung cấp thông tin về thị trường lao động, các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp...

Nhật Nguyên