Các công trình nước sạch nông thôn chỉ sử dụng hơn 30% công suất

Trạm Cấp nước sinh hoạt Túc Trưng, huyện Định Quán đã được đấu nối với hệ thống nước máy của Công ty CP Cấp nước Gia Tân. Ảnh: H.LỘC

Cấp nước sạch cho người dân là nhiệm vụ phải làm, tuy nhiên, làm cách nào để công trình hoạt động hiệu quả, nguồn lực đầu tư không bị lãng phí cần tính toán kỹ.

Hoạt động hiệu quả thấp

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết trên địa bàn tỉnh có 91 công trình cấp nước nông thôn. Trong đó, có 82 công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, còn lại do doanh nghiệp đầu tư. Hiện tại, chỉ có 57 công trình hoạt động với tổng công suất thực tế so với công suất thiết kế đạt khoảng 46%; 34 công trình ngưng hoạt động.

“Nếu tính tổng công suất hoạt động thực tế so với công suất thiết kế thì các công trình cấp nước sạch nông thôn hiệu suất chỉ khoảng 1/3” - ông Minh cho hay.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một số công trình cấp nước thuộc chương trình đầu tư 134, 135 trước đây hiện chỉ bơm nước lên bồn rồi cấp cho dân vì nguồn thu không đủ để đầu tư công nghệ, mua hóa chất xử lý nước. Cùng với đó, giá nước nông thôn hiện áp dụng theo Quyết định 29/2020/QĐ-UBND ngày
23-7-2020 của UBND tỉnh là bậc thang từ 7,2-13,9 ngàn đồng/m3, trong khi đó nước sạch đô thị thực hiện theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 23-5-2014 của UBND tỉnh thấp hơn, từ 5,8-12,8 ngàn đồng/m3. Nhiều hộ dân khu vực nông thôn giữ thói quen sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào. Thời gian qua nắng nóng kéo dài, một số giếng khoan cạn nước…

UBND các địa phương rà soát vùng “lõm” nước sạch trên địa bàn để kêu gọi đầu tư. Khi đã có công trình cấp nước sạch phải tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ sức khỏe, giảm khai thác nước ngầm, phát huy hiệu quả công suất của công trình.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho rằng hiện nay, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống cấp nước máy tập trung nhưng vẫn tồn tại công trình khai thác nước dưới đất cấp cho dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cả 2 hệ thống công trình không đạt hiệu quả về mặt công suất, mục tiêu tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước máy và giảm khai thác nước ngầm chưa hiệu quả.

Ông Hưng dẫn chứng, khu vực thành phố Long Khánh hiện đã có hệ thống cấp nước máy của Công ty CP Cấp nước Gia Tân nhưng Công ty CP Cấp nước Long Khánh vẫn khai thác nước ngầm để cấp cho dân. Tương tự, khu vực xã Đồi 61, huyện Trảng Bom có hệ thống cấp nước mặt của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai nhưng cũng có công trình cấp nước sạch nông thôn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Hay xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom có hệ thống nước mặt của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đi qua cách đó khoảng 3km.

Đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân

Trong 3 năm trở lại đây, Sở NN-PTNT đã đầu tư mới được 5 công trình cấp nước tập trung nông thôn với kinh phí hơn khoảng 645 tỷ đồng; sửa chữa và nâng cấp 5 công trình với kinh phí khoảng 53 tỷ đồng. Cùng với đó, các công ty cấp nước và địa phương dành khoảng 583 tỷ đồng đầu tư các tuyến ống đấu nối hệ thống cấp nước đô thị về cho người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 39%.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc đấu nối công trình cấp nước tập trung với hệ thống cấp nước mặt đô thị để cấp nước cho người dân còn chậm. Lý do là các doanh nghiệp cấp nước hầu hết là công ty cổ phần, mọi hoạt động đều phải thông qua hội đồng quản trị. Qua trao đổi, các doanh nghiệp từ chối tiếp nhận hoặc mua lại các công trình cấp nước nông thôn vì hệ thống đường ống bằng PVC không chịu được áp lực nước máy, hạ tầng xuống cấp nên tỷ lệ thất thoát nước lớn, tài sản (nhà trạm, cụm xử lý nước) không còn sử dụng được và diện tích đất nhỏ không đủ để xây dựng trạm tăng áp, bể chứa phục vụ cấp nước cho khu vực.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, cấp nước sạch cho người dân là nhiệm vụ phải làm. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ người dân được cấp nước sạch vẫn còn khiêm tốn, trong đó có nguyên nhân công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa hiệu quả, công tác đầu tư xây dựng công trình mới và đấu nối mở rộng hệ thống nước sạch đô thị về nông thôn còn chậm.

Thời gian tới, các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia phát triển nước sạch cho người dân. Sở NN-PTNT thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung; đôn đốc đơn vị thực hiện sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình. Rà soát, đánh giá công tác quản lý, vận hành, đồng thời lựa chọn mô hình quản lý, vận hành phù hợp với quy mô công trình, điều kiện của từng địa phương.

Cùng với đó, đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý công trình cấp nước tập trung lập kế hoạch đấu nối với tuyến ống cấp nước đô thị để thay thế các công trình hư hỏng, xuống cấp, đã ngưng hoạt động. Riêng với khu vực vùng xa không thể đấu nối nước sạch đô thị thì đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, xây dựng mới công trình với quy mô nhỏ phục vụ người dân.

Lê An