Chờ đợi gì ở thị trường việc làm năm Giáp Thìn 2024?

Năm 2023, các công ty trên thế giới, từ ngành tài chính, bán lẻ đến công nghệ, đều cắt giảm hàng loạt nhân sự trong bối cảnh nhu cầu suy yếu, đi kèm với đó là những lo ngại về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Microsoft và Meta sa thải hàng nghìn nhân viên. Sachs Group, Morgan Stanley và các ngân hàng lớn khác cũng cắt giảm hàng nghìn vị trí.

Theo báo cáo Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng Cục Thống Kê, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở một số ngành nghề nhất định. Tỷ lệ người lao động có việc làm cũng như thất nghiệp có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.

Dựa trên khảo sát Lương và Thị trường lao động 2024 của Navigos Group thực hiện với hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam và hơn 550 doanh nghiệp đa quốc tịch, năm 2023 vừa qua có đến 82% doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới và hơn 68% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn đầy thách thức này.

Những con số đã minh chứng đó là một năm không hề dễ dàng với chúng ta. Nhưng tạm gác lại năm cũ, theo tôi, 2024 vẫn sẽ là một năm thị trường việc làm tại Việt Nam có nhiều biến chuyển tích cực.

Chuyên gia cho rằng trong năm 2024, thị trường việc làm vẫn có nhiều biến chuyển tích cực. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ngành nghề được quan tâm

Cũng trong báo cáo Lương và Thị trường lao động 2024 do chúng tôi thực hiện, có đến 59,1% doanh nghiệp cho biết họ vẫn sẽ tuyển dụng dưới 25% nhân sự trong năm tới.

Các phòng ban mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng trong năm mới đứng đầu là kinh doanh/bán hàng, với 62,3% công ty tham gia khảo sát lựa chọn.

Đứng thứ 2 và thứ 3 trong danh sách về nhu cầu tuyển dụng nhân sự là phòng ban sản xuất và truyền thông/tiếp thị.

Ngoài ra, các ngành dịch vụ khách hàng, nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin cũng được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

Song các ngành nghề liên quan đến phòng ban kỹ thuật, hành chính tổng hợp sẽ bị các công ty hạn chế tuyển dụng hơn trong giai đoạn 12 tháng tới, dựa trên kết quả khảo sát.

Xu hướng mới của thị trường việc làm đang nhắm đến các vị trí về lĩnh vực Môi trường, Xã Hội và Quản trị.

Trong khi đó, mức lương cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực Thiết bị điện tử, Hóa chất/Vật liệu xây dựng & Bao bì/In ấn/Nhựa, Nông nghiệp, Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê cũng cho thấy lĩnh vực an toàn cơ sở dữ liệu đang được đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư cho cho các phòng ban Dữ liệu trong các ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông, Ngân hàng, Hàng Tiêu Dùng Nhanh & Bán lẻ, Năng lượng/Năng lượng tái tạo & Dầu khí.

Các phòng ban mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng trong 1 năm tới đứng đầu là Kinh doanh/ bán hàng. Có đến 62.3% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đó là một vài những ngành nghề sẽ có khởi sắc khi bước vào năm mới. Song rất tiếc, một số vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả khảo sát mà chúng tôi có được, 454/555 doanh nghiệp tham gia khảo sát đều trả lời họ bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trải dài trong nhiều ngành hàng, với mức độ khác nhau, có thể kể đến như Ngân hàng, Vận tải/Giao nhận/Chuỗi cung ứng, Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, Tự động hóa/Ô tô, Xây dựng/Bất động sản, Thực phẩm và đồ uống/Ngành hàng tiêu dùng nhanh, Thiết bị điện tử, Thương mại điện tử/Dịch vụ trực tuyến và Công nghệ tài chính...

Do những tác động từ kinh tế thế giới, năm 2024, những ngành nghề này sẽ tìm cách hồi phục, nhưng tốc độ vẫn sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Kỹ năng nào được ưu tiên?

Theo tôi, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại, ứng viên có kinh nghiệm làm việc, đáp ứng khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn cả.

Cụ thể, yếu tố giải quyết vấn đề đứng đầu tiên, với hơn 50% lựa chọn từ doanh nghiệp, sau đó là các yêu cầu phổ biến như có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Cũng theo kết quả khảo sát này, có không ít yếu tố khác của ứng viên được nhà tuyển dụng quan tâm và ưu tiên khi lựa chọn như có kỹ năng hợp tác, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn.

Để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, tôi cho rằng người lao động cần liên tục trau dồi chuyên môn, các kỹ năng mềm của bản thân, trau dồi trí tuệ cảm xúc và thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc.

Đặc biệt, có một kỹ năng khi làm việc mà tôi thấy nhiều người thường bỏ qua, hoặc ít đề cập đến, đó là yếu tố thích ứng với thay đổi.

Thích nghi tốt với sự thay đổi là một kỹ năng của ứng viên được nhà tuyển dụng quan tâm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng chỉ ra 10 kỹ năng sẽ cần thiết cho cột mốc 2030 và 3 kỹ năng quan trọng nhất là Judgement & Decision Making (đánh giá và ra quyết định), Fluency of Ideas (lưu loát về ý tưởng) và Active Learning (chủ động học).

Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng và kiểm soát công nghệ cũng là một vấn đề các bạn cần chú trọng để có thể bắt nhịp với sự phát triển của thời đại.

Tâm thế của người lao động?

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, nhìn chung tâm lý của người lao động vẫn khá tích cực.

Theo dữ liệu Navigos Group ghi nhận tại thời điểm làm khảo sát công khai vào quý 3/2023, chúng tôi nhận ra có đến 55,2% lựa chọn tích cực đón nhận và chủ động tìm kiếm công việc mới, cũng như 22,5% tự tin mình không bị ảnh hưởng giữa làn sóng cắt giảm nhân sự.

Theo tôi, sự lạc quan và tin vào bản thân là dấu hiệu tích cực cho thị trường việc làm trong năm 2024.

Tôi nhận ra rằng rất nhiều lao động trẻ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong đó, họ tập trung nâng cao kỹ năng mềm và chủ động tìm kiếm trước các cơ hội việc làm, kể cả khi chưa có nhu cầu.

Giữ được tinh thần lạc quan, chủ động là điểm sáng của lao động trẻ Việt Nam. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Một trong những xu hướng công nghệ đang bùng nổ mà tôi không thể không nhắc đến, đó chính là trí tuệ nhân tạo (AI).

Có những lo ngại về việc AI có thể thay thế công việc của con người, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy công cụ này đang tạo ra cơ hội mới và sự tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực.

Theo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2023 được Microsoft công bố trong năm 2023, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Al sẽ mang lại giá trị tại nơi làm việc bằng cách tăng năng suất làm việc (35%), hơn là cho rằng AI sẽ thay thế nhân viên.

Cứ 10 người lao động Việt Nam sẽ có đến 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al, không chỉ cho các công việc hành chính mà còn cho công việc phân tích và thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc.

Với góc nhìn của tôi, hiện tại AI chưa thể đe dọa vị trí của những nhân sự đảm nhiệm các công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề, tương tác xã hội.

Do đó, trước sự phát triển của công nghệ này, tôi mong những nhân sẽ trẻ sẽ giữ vững tâm thế luôn trau dồi chuyên môn, tăng cường các kỹ năng mềm của bản thân, tập trung phát triển thêm trí tuệ cảm xúc và thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc.

Mỹ Trinh

Đồ họa: Yến Nhi