Chống dịch ở Bắc Ninh: Nhiều quyết định chưa từng có tiền lệ

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm khu căng tin của công nhân tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP

Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh COVID-19 ở Bắc Ninh đã được khống chế ở tất cả các địa bàn trong toàn tỉnh.

Địa phương đầu tiên sáng kiến áp dụng “3 cùng”

Nhìn lại thời điểm bùng phát dịch đợt thứ 4, ông Tuấn cho biết, khi Bắc Giang xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên trong khu công nghiệp thì Bắc Ninh cũng có dịch trong cộng đồng. Ổ dịch lớn nhất của tỉnh thời điểm sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đó là ở huyện Thuận Thành.

Ngày 26/5, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn trước đó một tuần khi tỷ lệ các ca bệnh trong khu công nghiệp tăng từ 11% lên 23%. Số ca mắc tăng nhanh khiến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh phải thay đổi kịch bản ứng phó tăng thêm bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung để ứng phó với tình huống dịch lây lan trong khu công nghiệp.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, việc phòng, chống dịch mà chọn phương án đơn giản nhất, an toàn nhất và thuận lợi nhất là đóng cửa khu công nghiệp thì quá dễ dàng cho lãnh đạo tỉnh nhưng hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, không thể “đóng băng” các khu công nghiệp, Bắc Ninh yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp thống kê toàn bộ lao động từ Bắc Giang, đặc biệt là những lao động ở trong vùng dịch. Đồng thời, tạm dừng tiếp nhận lao động từ vùng dịch và vùng phong tỏa của Bắc Giang.

Lao động từ những vùng khác của Bắc Giang trước khi di chuyển sang Bắc Ninh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, ăn ở tập trung trong ký túc xá. Người lao động Bắc Ninh sang làm việc tại Bắc Giang được thống kê và cho xét nghiệm tập trung toàn bộ. Hơn 13.000 đối tượng là các chuyên gia nước ngoài và tất cả các yếu tố liên quan đến Bắc Giang đã được xét nghiệm thần tốc, để giúp xác định khoanh vùng sớm nhất.

Đánh giá việc đi về của công nhân giữa nhà máy và các khu trọ tiềm ẩn nhiều rủi ro làm bùng phát dịch bệnh, Bắc Ninh đã quyết định cô lập dịch bệnh ở 2 đầu, vừa “khóa chặt” nguy cơ trong khu công nghiệp vừa “khóa chặt” trong khu dân cư để không lây lan vào khu công nghiệp.

Nhiều cuộc họp đã được tổ chức ngay trong đêm để phân tích và đi đến các quyết định chống dịch táo bạo và chưa có tiền lệ, đó là, đưa công nhân vào lưu trú trong nhà máy vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy.

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên sáng kiến áp dụng “3 cùng” (3 tại chỗ) trong nhà máy để duy trì sản xuất - ăn cùng, ở cùng, làm cùng. Nghĩa là các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng đảm bảo “biệt lập”, có xe đưa đón hàng ngày tới nhà máy và ngược lại. Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.

Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư, đảm bảo chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16.

Tỉnh đã yêu cầu các công ty trong các khu công nghiệp xây dựng kế hoạch trong 3 ngày từ 26/5 đến hết 29/5 và bắt đầu phải làm xét nghiệm lần 1 vào ngày 29/5, xét nghiệm lần 2 vào ngày 1/6.

Ban đầu chỉ có 97 doanh nghiệp đăng ký làm theo mô hình. Khi đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu thông tin nếu không đăng ký thì đóng cửa. Và đến đêm 29/5, số doanh nghiệp tăng lên 501 và đến ngày 18/6, có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy trong khu công nghiệp.

Tỉnh cũng trưng dụng, huy động nhiều khu ký túc xá, trường học để cho các doanh nghiệp mượn làm điểm ở cho công nhân. Chủ tịch UBND các huyện được giao chỉ đạo chỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Lực lượng công an, quân đội, các tổ COVID-19 cộng đồng… được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho các khu vực nhà máy, khu vực công nhân ở. Vì nếu chỉ có một người từ bên ngoài lọt vào các khu vực nhà máy biệt lập sẽ tạo ra nguy cơ mầm bệnh rất lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Những quyết định chưa có tiền lệ và chưa có quy chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế đặt ra thử thách cho lãnh đạo Bắc Ninh. Chúng tôi buộc phải lựa chọn để duy trì sản xuất và khống chế được dịch”, ông Tuấn chia sẻ.

Có 3.000 công nhân của Goertek – Bắc Ninh ở lại nhà máy để duy trì sản xuất trong thời điểm dịch bùng phát ở Bắc Ninh. Ảnh: VGP

Duy trì xét nghiệm sàng lọc

Trong thời gian chống dịch, Bắc Ninh yêu cầu doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm cho công nhân, nhưng tùy theo từng thời kỳ, địa bàn, diễn biến của dịch mà tỉnh yêu cầu xét nghiệm ở các mức khác nhau. “Chúng tôi nhìn bức tranh xét nghiệm để đánh giá nguy cơ và yêu cầu thêm xét nghiệm nếu cần thiết. Tinh thần là linh hoạt và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Khi bắt đầu vào làm việc, công nhân bắt buộc phải xét nghiệm tầm soát lần một. Sau đó, 3 ngày lại tiếp tục xét nghiệm tầm soát lần thứ hai. Một tuần sau đó, 100% số công nhân có lần xét nghiệm tiếp theo để đánh giá nguy cơ.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm lần thứ ba, căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh sẽ quyết định xét nghiệm lần 4 cho 100% nhân hay giảm tỷ lệ công nhân phải xét nghiệm tầm soát xuống.

Ví dụ, với những địa bàn còn người có khả năng ủ bệnh thì phải yêu cầu xét nghiệm tiếp. Những doanh nghiệp từ 500 lao động trở lên, xét nghiệm 50% số lao động. Với doanh nghiệp có 500 lao động trở xuống sẽ xét nghiệm 100%. Tuy nhiên, chỉ một số ít địa bàn phải sàng lọc lần thứ tư. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí xét nghiệm khi duy trì sản xuất.

Sau khi đã tầm soát diện rộng, Bắc Ninh cho phép doanh nghiệp chỉ cần xét nghiệm 20% công nhân để sàng lọc hằng tuần.

Đến nay Bắc Ninh vẫn tiếp tục tiếp tục sàng lọc theo quy mô để phát hiện ra sớm các ca mắc trong cộng đồng Trước tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, hiện tại, tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì việc xét nghiệm hàng chục nghìn trường hợp mỗi ngày. Tất cả các chợ, trung tâm thương mại, bến xe, kể cả các cơ quan hành chính nhà nước cũng được xét nghiệm thường xuyên để duy trì việc phòng dịch.

Trao đổi về các biện pháp điều hành tổ chức hoạt động vận tải trong thời gian đợt dịch bùng phát cao điểm tại Bắc Ninh, ông Tuấn cho biết, tại Bắc Ninh, đối tượng lái xe là nguy cơ cao, do vậy được yêu cầu tuân thủ việc xét nghiệm 3 ngày 1 lần. Còn đối với riêng lực lượng shipper thì tỉnh Bắc Ninh vẫn cho phép hoạt động, nhưng yêu cầu tất cả shipper phải đăng kí với y tế và lấy xét nghiệm miễn phí 3 ngày 1 lần ngay tại địa bàn phường, xã.

Để không đứt gãy quá trình sản xuất, khi đưa nhà máy hoạt động trở lại, Ban chỉ đạo phòng dịch đã yêu cầu các đơn vị sàng lọc kiểm tra sức khỏe công nhân, xét nghiệm nhanh thường xuyên, đảm bảo có nguồn nhân lực sức khỏe tốt tham gia vào quá trình sản xuất của nhà máy.

“Tại Bắc Ninh chúng tôi không tiến hành xét nghiệm toàn dân mà xét nghiệm sàng lọc theo đại diện hộ gia đình tùy theo diễn biến dịch từng địa bàn để vừa đỡ tốn kém hơn, và có tỉ lệ xác suất rất là tốt. Việc đánh giá các nhóm, khu vực có nguy cơ để có thể phân theo địa bàn theo tỉ lệ như thế nào đó cho hợp lý. Bắc Ninh đã khoanh được các điểm nóng, kể cả ở khu vực nhỏ và cả khu vực lớn. Từ đó, thực hiện tổng lực các bước xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm, tiến tới khống chế được dịch”, ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Những bài học đáng quý

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, tính đến hết ngày 23/7/2021, các KCN Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động 314.203/320.485 lao động đã trở lại làm việc bình thường.

Như vậy, có thể nói, qua đợt dịch lần thứ tư, Bắc Ninh đã khống chế dịch thành công bước đầu và vẫn duy trì sản xuất.

Ông Vương Quốc Tuấn cho rằng, sự bền bỉ và kiên cường mà Bắc Ninh có được trong cuộc chiến chống giặc COVID-19 cũng nhờ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tận tâm cả vật chất, tinh thần của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cũng như nhân dân cả nước. Đặc biệt, không thể không nhắc đến việc hỗ trợ của Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đến Bắc Ninh có rất nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn đã hỗ trợ cho tỉnh trong việc thường xuyên cập nhật, nhận định tình hình dịch.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đưa ra những cách làm đột phá trong chiến lược dập dịch đó là khẩn trương xác định những địa bàn trọng điểm để tập trung nguồn lực dập dịch. Đối với huyện Thuận Thành có phương án không để dịch kéo dài. Với TP. Bắc Ninh có chiến lược xét nghiệm toàn diện để sớm “chỉ điểm” những điểm dịch còn lẩn khuất trong cộng đồng nếu có, từ đó, giúp chính quyền thành phố sớm truy vết, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan rộng ra.

Với điều trị, Bắc Ninh cũng đón nhận nhiều thầy thuốc từ tuyến trên tham gia hỗ trợ cho bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, đoàn chuyên gia cũng đã kêu gọi các nguồn tài trợ hỗ trợ nguồn lực thêm cho Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, cả hệ thống chính trị của tỉnh từ thôn, xóm đến các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc cùng tỉnh chống dịch.

Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, mạnh mẽ, thần tốc, trách nhiệm cũng như linh hoạt trong các phương án chống dịch là những bài học đáng quý. Sự vào cuộc của hệ thống đã tạo ra sức mạnh lớn lao trong công tác phòng chống dịch.

Bắc Ninh có 1,5 triệu dân, nhưng diện tích nhỏ nhất nên mật độ dân số đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TPHCM. Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp tập trung, 26 cụm công nghiệp. Số lao động ở khu công nghiệp hơn 450.000 người, trong số đó lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chiếm 24,4% còn lại là lao động trên địa bàn khác.

Minh Anh