Chuyên gia Mỹ chỉ nhược điểm của F-15EX so với F-35

Theo chuyên gia Mỹ, F-15EX là phiên bản mới nhất của dòng chiến đấu cơ huyền thoại F-15 Eagle trong Không quân Mỹ. Ở phiên bản Strike Eagle được trang bị gần như hoàn toàn mới so với những phiên bản trước đó cả về hệ thống điện tử và số vũ khí mang theo.

Chính vì vậy, số lượng vũ khí máy bay này mang được trong mỗi lần cất cánh rất ấn tượng. Hiện nay các tiêm kích Flanker của Nga có thể mang tối đa 12 tên lửa không đối không tầm ngắn và ngoài tầm nhìn trên các giá treo vũ khí của mình.

Phía Nga cho rằng đây là lợi thế lớn trong đối đầu vì có thể khai hỏa số lượng áp đảo đạn về phía đối phương nhằm phá vỡ đội hình chiến thuật.

Ở phiên bản F-15E của Không quân Mỹ chỉ mang theo được 4 tên lửa tầm ngắn và 4 tên lửa tầm xa, cho nên mặc dù có ưu thế ở radar mảng pha quét chủ động chúng cũng ít nhiều gặp bất lợi khi cơ số tên lửa chỉ bằng 2/3 đối thủ. Mọi chuyện đã thay đổi khi Boeing đã công bố F-15 nâng cấp với cải tiến lớn ở khung thân, giúp số tên lửa không đối không mang theo tăng lên 16 quả.

Đặc biệt, theo tuyên bố của Không quân Mỹ, ở phiên bản F-15EX Strike Eagle có thể mang theo tới 24 tên lửa không đối không, tức là gấp đôi cơ số đạn của máy bay Nga.

Ngoài ra, phiên bản này còn được sửa đổi về động cơ, hệ thống kiểm soát bay và đặc biệt là nâng cấp sâu radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Cần lưu ý thêm rằng chiếc Su-35S của Nga vẫn phải dùng radar quét thụ động (PESA) lạc hậu hơn ít nhất một thế hệ.

Cùng với số vũ khí mang theo, người Mỹ còn gây bất ngờ lớn khi tuổi khung siêu bền của F-15EX Strike Eagle lên tới 20.000 giờ bay. Để so sánh thì Su-35S mới chỉ đạt tới con số 6.000 giờ, Su-30MK là 3.000 giờ trong khi Su-27 chỉ đạt 2.000 giờ bay.

Với khả năng đầy ấn tượng của F-15EX, chuyên gia Robert Farley cho rằng khiếm khuyết duy nhất của dòng máy bay này là chưa có khả năng tàng hình nhưng chừng đó cũng đủ khiến F-15EX vượt trội trước tất cả máy bay cùng thế hệ như Su-35 của Nga và hơn hẳn F-35 ở hầu hết các tính năng chiến đấu. (Tuấn Vũ)