Có gì hay ở bản án được xem nhiều nhất trên cổng thông tin điện tử tòa án?

Ngày 1-7-2017, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 03/2017 quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án chính thức có hiệu lực.

Tính đến ngày 16-4 đã có hơn 1,3 triệu bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin của TAND Tối cao, thu hút hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày.

Đáng chú ý, bản án được xem nhiều nhất là Bản án số 427/2019/HC-PT ngày 9-7-2019 của TAND Cấp cao tại .HCM.

Kiện vì cho rằng bồi thường thu hồi đất không đúng

Hình minh họa

Bản án số 427 có nội dung là vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông H với người bị kiện là UBND thị xã T, chủ tịch UBND thị xã T và chủ tịch UBND tỉnh B. Đây cũng là bản án có nhiều ý kiến phản hồi nhất.

Theo ông H, gia đình ông bị thu hồi 2.899 m² đất vào năm 2012 nhưng đến ngày 18-12-2014 ông mới nhận quyết định bồi thường. Ông H không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng việc thực hiện việc giải tỏa, bồi thường đất của ông trái quy định (áp giá không đúng-PV).

Vì vậy, ông khởi kiện UBND thị xã T, chủ tịch UBND thị xã T và chủ tịch UBND tỉnh B yêu cầu hủy các quyết định về thu hồi đất, về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyết định giải quyết khiếu nại bác đơn của ông...

Chủ tịch UBND thị xã T và UBND thị xã T đều cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông H là đúng theo phương án bồi thường và đúng theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh B cũng cho rằng việc bác đơn khiếu nại của ông H là đúng nên đề nghị tòa bác đơn khởi kiện của ông H; công nhận nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2018, TAND tỉnh B đã bác yêu cầu khởi kiện của ông H. Sau đó, ông H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Phúc thẩm sửa án, người dân thắng kiện

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng ngày 18-12-2014, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất mới công bố và bàn giao quyết định bồi thường (ký ngày 16-10-2012) cho ông H. Ông H không đồng ý giá bồi thường tại quyết định này (áp giá năm 2012) mà phải bồi thường theo giá đất năm 2015.

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 69/2009 thì giá đất tính bồi thường là giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và hiện nay ông H vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất. Do đó, ông H đề nghị được bồi thường giá đất tại thời điểm thu hồi đất là có căn cứ.

Mặt khác, theo Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã T, lý do sau hai năm mới triển khai quyết định bồi thường là do từ tháng 10-2012 đến tháng 11-2014 nguồn vốn phân bố cho dự án không đủ để chi trả bồi thường cho dân nên không mời ông H đến để giao quyết định và chỉ trả tiền bồi thường.

Như vậy, việc ông H không được nhận bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất của UBND huyện T không phải lỗi từ phía ông H mà lỗi từ cơ quan chủ quản.

Cạnh đó, theo HĐXX phúc thẩm, tại quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B bác đơn của ông H có nội dung: Việc ông H yêu cầu bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất là không có cơ sở xem xét, giải quyết vì Nghị định 69/2009 không quy định phải bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất, chỉ quy định gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên trong trường hợp này, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện T không “gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" đến ông H mà chỉ mời ông H đến UBND xã để công bố và bàn giao quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật...

Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông H, sửa bản án sơ thẩm hủy các quyết định về thu hồi đất, về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyết định giải quyết khiếu nại...

YẾN CHÂU