Công an huyện Châu Đức quyết liệt đẩy lùi 'tín dụng đen'

Đoàn viên thanh niên huyện Châu Đức gỡ các quảng cáo cho vay tiền dán trên cột điện.

Bẫy “tín dụng đen” giăng khắp nơi

Do cần tiền tiêu xài nên ngày 14/3, chị L. (SN 1993, ngụ huyện Châu Đức) lên mạng xã hội Facebook tìm người cho vay tiền và sau đó thỏa thuận vay của Đặng Văn Quân 20 triệu đồng, trả góp mỗi ngày 1 triệu đồng trong vòng 25 ngày. Chị L. thực nhận được 18 triệu đồng với lý do trả góp ngày đầu tiên 1 triệu đồng và tiền phí khoản vay 1 triệu đồng. Ngày 15/3, chị L. trả 1,2 triệu đồng cho Quân nên cả hai đã thỏa thuận lại số ngày trả góp là 21 ngày. Chị L trả tiền cho Quân được 4 ngày với 4,6 triệu đồng thì không có tiền trả. Quân cùng một số đối tượng kéo đến nhà đòi nợ khiến chị L. phải cầu cứu cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Quân thừa nhận hành vi cho chị L. vay số tiền trên với lãi suất 35,7%/tháng. Ngoài ra, Quân còn cho T.H.P.L. (SN 2002, ngụ huyện Châu Đức) vay 5 triệu đồng với lãi suất 30%/tháng bằng hình thức trả góp mỗi ngày 250 ngàn đồng trong vòng 25 ngày. Công an huyện Châu Đức có văn bản đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính Quân về hành vi “không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự".

Theo Công an huyện Châu Đức, từ 11/2022 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen” của các đối tượng chủ yếu là quảng cáo cho vay tiền trên mạng xã hội (MXH), phát tờ rơi tại các nơi công cộng, đến từng hộ gia đình chào mời, dán trên cột điện, cây xanh hoặc gọi điện thoại trực tiếp quảng cáo việc cho vay. Hình thức cho vay tiền chủ yếu là lập hợp đồng (HĐ) mua bán hàng trả góp, cho thuê xe. HĐ cho vay nhưng không ghi lãi suất, làm giả HĐ của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay, mua nợ xấu của các công ty tài chính sau đó tiến hành đòi nợ… Người vay phải thế chấp nhiều loại giấy tờ tùy thân và vay với lãi suất 10% - 30%. Khi người vay không có tiền để trả góp hàng ngày, liền bị chủ nợ đòi nợ bằng nhiều phương thức như: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản.

Người vay chủ yếu là người kinh doanh, buôn bán nhỏ, người lao động, đối tượng mại dâm, cờ bạc... Lãi suất cho vay cao nhưng do tính tiện lợi, nhanh chóng, nhận tiền ngay. Khi cần tiền gấp để giải quyết công việc, làm ăn nhiều người vẫn chấp nhận vay. Khi vay không có khả năng trả nợ liền bị các đối tượng cho vay xúc phạm, đe dọa, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... phải cầu cứu cơ quan công an hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.

Nâng cao cảnh giác của người dân

Công an huyện Châu Đức thông tin, hiện nay xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc của đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thậm chí, các đối tượng còn lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thực chất thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.

Ngoài ra, an ninh trật tự trên địa bàn huyện cũng bị ảnh hưởng bởi các hành vi huy động vốn trái phép với lãi suất cao dưới các hình thức đặt cọc giao dịch mua bán đất đai, cùng nhau thành lập công ty, lập các dây "hụi" sau đó tuyên bố "vỡ hụi", "vỡ nợ" nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước thực trạng này, Công an huyện Châu Đức tăng cường các hoạt động phòng ngừa xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội đối với hậu quả, tác hại của "tín dụng đen" và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về việc tự phòng tránh, không để bị tội phạm xâm hại và tích cực tố giác tội phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động “tín dụng đen" đòi nợ, siết nợ. Đối với các cơ sở lưu trú, nhà trọ, nhà dân cần cảnh giác không cho đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen" thuê nhà để làm cơ sở hoạt động.

Người dân khi bị các đối tượng "tín dụng đen" gọi điện thoại khủng bố đòi nợ phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị "khủng bố" điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN