Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản - Đầu tư sâu để gia tăng giá trị, thương hiệu

Trên thế giới đã có nghiên cứu, trong 100 tỷ USD giá trị cà phê đến tay người tiêu dùng thì tổng giá trị mà người trồng cà phê nhận được chỉ có khoảng 15 tỷ USD, còn 85 tỷ USD “rơi vào tay người khác”... ở những nước không trồng cà phê.

Thiệt đơn, thiệt kép

Thực trạng như trên đã được ngành nông nghiệp, công thương và nhiều bộ ngành, địa phương “nhận diện” từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, công nghiệp chế biến là khâu quan trọng nhưng yếu nhất của chuỗi sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, tình trạng đa phần nông sản phải bán tươi, xuất thô đã kéo dài nhiều năm nay, và có nhiều nguyên nhân như: doanh nghiệp sản xuất, thu mua nông sản không đầu tư được công nghệ để chế biến sâu; đối tác nhập khẩu muốn nhập hàng thô để tự chế biến rồi xuất khẩu, khai thác phần giá trị gia tăng...

Sản xuất chuối cắt lát sấy đông xuất khẩu tại Nhà máy Trung Chánh, Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải bán thô, lợi nhuận thu được không như mong muốn. Đơn cử như mặt hàng cà phê, nếu xuất thô cà phê nhân, hiện thời giá chỉ khoảng 2.400 USD/tấn, còn nếu đã qua chế biến có thể bán được 3.600 USD/tấn, trong khi chi phí vận chuyển cà phê nhân luôn cao hơn. “Tập trung đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông thủy sản - thực phẩm là yêu cầu rất quan trọng hiện nay”, đại diện VCCI nhấn mạnh.

Xem xét chính sách khuyến khích đầu tư

Với việc kết nối giao thông ngày càng thuận tiện hơn, các tỉnh ĐBSCL đã và đang có nhiều “chuyển bộ” đầu tư cho chế biến nông lâm thủy sản. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố đang phối hợp các địa phương trong vùng xúc tiến, đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ như chỉ đạo của Chính phủ.

Trung tâm này khi đi vào hoạt động sẽ hướng đến mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư, nâng chất công nghiệp chế biến, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực chế biến nông, thủy hải sản; góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu và giá trị sản phẩm.

Đại diện VCCI cho rằng, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của ĐBSCL đang phụ thuộc rất lớn vào “nội lực”, chưa có sự đóng góp của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư 100% vào chế biến nông sản. Do đó, để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, rất cần sự kích cầu, cơ chế thích hợp để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn, nhất là hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng kiến nghị, các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm xuất khẩu các sản phẩm thô. Về phần mình, Cục Trồng trọt sẽ tăng cường phối hợp các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.

Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, để khai thác thêm được giá trị gia tăng của nông lâm thủy sản, xâm nhập sâu vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, giá bán cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…, hiện là thời điểm cần thiết phải đầu tư mạnh vào những khâu chế biến, thương mại, thương hiệu… Một số thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam cũng đang thay đổi nhu cầu từ nhập cà phê nhân sang cà phê chế biến. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị và đảm bảo sức cạnh tranh không chỉ với cà phê mà còn nhiều nông lâm sản khác. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, nông lâm thủy sản được chế biến sâu sẽ có điều kiện bảo quản chất lượng lâu hơn, qua đó giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong giao dịch buôn bán, hạn chế được tình trạng “dội chợ” khi cung vượt cầu.

ANH VŨ

VĂN PHÚC - NGỌC PHÚC - TẤN THÁI - TÂM CHÍ