Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 'nóng' với chủ đề kiểm soát công nghệ AI

Làm thế nào để kiểm soát được những rủi ro mà công nghệ này mang lại nhằm đảm bảo một tương lai an toàn và thịnh vượng cho tất cả mọi người? Đây cũng là chủ đề làm “nóng” nghị trường Phiên họp toàn thể cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 diễn ra hôm qua tại thành phố New York, Mỹ.

Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden tự tin, Anh có thể trở thành quốc gia dẫn đầu về quản trị toàn cầu đối với công nghệ Trí tuệ nhân tạo. Theo Phó Thủ tướng Oliver Dowden, quốc gia châu Âu có nền tảng để biến AI thành một thành công và trở nên an toàn hơn. Lực lượng đặc nhiệm AI của Anh đang nghiên cứu các phương pháp đánh giá lỗ hổng của hệ thống AI và có thể phát triển kiển thức chuyên môn để cung cấp cho toàn bộ thế giới.

Ông Oliver Dowden nói: "Trí tuệ nhân tạo là thành tựu công nghệ lớn nhất mà thế giới từng biết đến. Nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là các chính phủ là phải hiểu, nắm bắt được và tìm cách quản lý công nghệ này. Chúng ta phải làm điều này một cách nhanh chóng. Hãy nghĩ xem đã có bao nhiêu sự thay đổi đã diễn ra chỉ trong một vài tháng ngắn ngủi và sau đó hãy tưởng tượng xem thế giới sẽ khác như thế nào sau 5 hoặc 10 năm nữa. Chúng ta đang nhanh chóng làm quen với AI của ngày hôm nay, nhưng cũng cần chuẩn bị cho AI của ngày mai".

Công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng khi được ứng dụng vào các công cụ chatbot, tạo hình ảnh, nhân bản giọng nói,.. mở ra tiềm năng to lớn về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng đồng thời cũng đẩy những lo ngại về AI lên ngưỡng buộc các quốc gia phải tính đến việc quản lý các rủi ro. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakhrishnan hôm 22/9 đã cảnh báo Liên Hợp Quốc về những rủi ro mà AI có thể gây ra, thậm chí là có thể làm leo thang chạy đua vũ trang và hạt nhân.

Ông Vivian Balakhrishnan cho biết: "AI về cơ bản sẽ phá vỡ các giả định của chúng ta về học thuyết quân sự và răn đe chiến lược, làm tăng nguy cơ xung đột ngoài ý muốn hoặc leo thang xung đột. Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu một cuộc đối thoại toàn cầu về kiểm soát AI ngay tại Liên Hợp Quốc. Chúng ta phải phẩn trương xem xét việc giám sát các hệ thống AI và các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh mọi tính toán sai lầm".

Các cuộc thảo luận về kiểm soát Trí tuệ nhân tạo diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu đang có những động thái về kiểm soát trí tuệ nhân tạo.

Liên Hợp Quốc cũng đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả, đồng thời ủng hộ các ý kiến đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, để tận dụng tối đa tiềm năng của AI một cách công bằng, chúng ta phải tham gia thảo luận về những rủi ro mà nó gây ra và tạo ra các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo một tương lai an toàn và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)