Đề phòng kinh doanh về dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng

Luật sư Nguyễn Đức Quang (đoàn Luật sư TP Hà Nội) lo lắng, Việt Nam với một thị trường rộng lớn người dùng mạng, việc kinh doanh mua bán dữ liệu cá nhân được ví như một “mỏ vàng” để nhiều người khai thác.

Việc kinh doanh mua bán dữ liệu cá nhân được ví như một “mỏ vàng” để nhiều người khai thác.

Từ đó, kéo theo hiện tượng đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua. Thậm chí, việc mua bán thông tin cá nhân còn đang được diễn ra một cách công khai, trắng trợn trên không gian mạng.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua thông tin cá nhân”, lập tức kết quả sẽ thu về hàng loạt địa chỉ rao bán đủ loại dữ liệu cá nhân, với đầy đủ thông tin quan trọng, từ tên tuổi, số điện thoại, email, đến ngành nghề, chức vụ và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng…

Việc dễ dàng trong việc rao bán và tìm mua thông tin đã khiến dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trở thành món hàng béo bở cho kẻ xấu thu lợi, khai thác bất chính. Đáng nói, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp, với quy mô lớn, chuyên nghiệp và bài bản...

Việc tăng cường bảo mật, đề phòng kinh doanh về dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng cần được quan tâm hơn.

Vì vậy, theo luật sư Nguyễn Đức Quang, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng mà họ thu thập, lưu trữ, sử dụng và có biện pháp ngăn ngừa các hành vi sau đây: (i) Đánh cắp hoặc tiếp cận thông tin trái phép; (ii) Sử dụng thông tin trái phép; (iii) Chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin trái phép”.

Để chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tế, thì các chủ thể liên quan cần phải được huy động tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng.

Như Chỉ thị số 30-CT/TW đã nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.”

Đa số ý kiến đồng tình, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định thêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc xây dựng hệ thống các biện pháp ngăn ngừa một số hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Tuyến Thu/VOV.VN