Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Doanh nghiệp gặp khó

Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố cho biết, trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021. Đáng chú ý có đến 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1% và tăng 34,3%.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó đáng lưu ý, mô hình sản xuất “ 3 tại chỗ” áp dụng trong bão dịch của doanh nghiệp đang gặp vấn đề.

Đại diện Công ty Gỗ Long Việt (Bình Dương) cho biết công ty có quy mô 800 công nhân và thực hiện “3 tại chỗ” với 300 công nhân từ ngày 10/7. Ngày 20/7, Công ty này phát hiện 1 ca F0 chưa rõ nguồn lây. Từ ngày 21/7 đến nay, qua test nhanh và PCR, Công ty phát hiện 248 ca F0 và rất nhiều F1 có nguy cơ trở thành F0.

Chưa hết, ngày 28/7 vừa qua, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng thông báo tạm ngừng hoạt động 3-4 tuần và chính thức ngừng giao hàng tới các hệ thống siêu thị và cửa hàng.

Vissan cho biết, sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" liên tiếp phát hiện các ca F0. Đại diện Công ty này cho biết, dù đã rất cố gắng nhưng vì lượng nhân viên đông, phương án 3 tại chỗ vẫn khó thực hiện.

Đáng chú ý theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp liên tiếp phát hiện các ca F0 trong khi đang thực hiện 3 tại chỗ, gây khó khăn cho sản xuất. Phương án này không còn đảm bảo an toàn vì nhiều nguyên nhân.

Không những vậy, với những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cũng mất khá nhiều chi phí để thực hiện xét nghiệm, bố trí chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân viên. Phía doanh nghiệp mong muốn có phương án khác để vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

Ông Đậu Anh Tuấn nói rõ hơn, 7 tháng đầu năm 2021 khác với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Thì đến năm 2021, dịch bệnh tác động lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.

“Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động” - theo ông Đậu Anh Tuấn.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, gần đây họ gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ không chỉ phải duy trì sản xuất, cái quan trọng nhất với họ là khách hàng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp ở Bình Dương có khách hàng ở thế giới, tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó mô hình sản xuất 3 tại chỗ đang gặp nhiều trục trặc và trở ngại. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ.

Nhân lên điểm tốt trong bối cảnh xấu

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Điểm đến kinh tế nửa cuối năm 2021” diễn ra vào ngày 30/7, một câu hỏi khiến cho nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp đau đầu đó là “muốn thoát khỏi tình trạng xấu nhanh thì cần hành động gì?”

Giới chuyên gia kỳ vọng năm tháng cuối năm hy vọng dịch bệnh ổn định, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường có thể sẽ tăng nhưng không quá khốc liệt.

Những ứng xử của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ như “những liều vaccine” bởi các doanh nghiệp cũng đang rất cần những liều vaccine kịp thời.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn nói phải hành động nhanh, nhân lên điểm tốt trong bối cảnh xấu. Đó là việc dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin và đã đi bước rất dài trong chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng có đặc điểm là nhiều doanh nghiệp nhỏ và trẻ nên sẽ áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn. Hy vọng với việc áp dụng chuyển đổi số trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt kịp thế giới.

Bối cảnh dịch bệnh khiến doanh nghiệp Việt Nam có cách nhìn khác trong việc quản trị.

Ngoài ra theo kỳ vọng trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đã sẵn sàng khi ký hàng loạt FTA trong thời gian vừa qua./.

M.P