Đóng gần 3 triệu để đi học tập trải nghiệm là gánh nặng với rất nhiều phụ huynh

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Hải Phòng) bị phụ huynh phản ứng vì tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh khối 12 ở 4 tỉnh miền Trung với chi phí 2,83 triệu đồng.

Theo đó, chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh khối 12 của trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong mang tên "Theo dòng lịch sử", kéo dài ba ngày hai đêm (13-15/3/2024), đi đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ảng Trị.

Đơn vị phối hợp tổ chức chương trình này là Trung tâm Giáo dục STEAM và trải nghiệm VECTOR (Công ty Giáo dục Nguyễn Kim) có địa chỉ tại thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng).

Kinh phí mỗi học sinh phải đóng là 2,83 triệu đồng. Theo nhà trường cho biết, không bắt buộc học sinh phải tham gia. Qua khảo sát, có 423/480 học sinh đăng ký.

Phụ huynh phải đồng thuận, kinh phí phù hợp sức dân

Trước sự việc này, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với chương trình học tập trải nghiệm tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong.

Phụ huynh không đồng tình bởi Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong chọn thời điểm cho học sinh đi học tập trải nghiệm đúng giai đoạn “nước rút” ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19 nhiều gia đình đang rất khó khăn về kinh tế, có phụ huynh đã phải chia sẻ trên mạng xã hội với mục đích góp ý cho nhà trường rằng “Không cho con đi thì sợ tủi thân, đi chơi tí thì bay 3 tháng tiền học".

Mặc dù, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong có bề dày truyền thống lịch sử, nhà trường được xếp vào tốp đầu những trường danh tiếng của ải Phòng. Danh tiếng của nhà trường được xây dựng đi liền với sự đồng thuận ủng hộ của các thế hệ phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, việc tổ chức cho học sinh lớp 12 đi học tập trải nghiệm lần này có nhiều phụ huynh không đồng thuận (khảo sát chỉ có 423/480 phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia).

Nhiều phụ huynh chia sẻ với phóng viên về việc không đồng tình với việc tổ chức chương trình học tập trải nghiệm tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong. (Ảnh: Lã Tiến)

Vì vậy, việc Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong nên làm là lắng nghe phản ánh với tinh thần cầu thị, nghiêm túc xem xét lại chương trình, thậm chí có thể giảm bớt thời gian đi trải nghiệm, thay đổi lịch trình cho phù hợp…

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, chương trình học tập trải nghiệm không phải là chương trình cứng bắt buộc mọi học sinh phải tham gia.

Việc các nhà trường đưa học sinh đi xa để trải nghiệm về các hoạt động chiến tranh, tham quan học hỏi, tìm hiểu về lịch sử để có thêm lòng yêu nước… có ý nghĩa tác động đến việc giáo dục cho học sinh.

Tuy nhiên, chương trình học tập trải nghiệm của các nhà trường nếu muốn tổ chức cần phải nhận được sự đồng thuận của học sinh và gia đình, phải phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Đối với những hoạt động quá tốn kém thì chắc chắn những gia đình không có điều kiện sẽ không tham gia được.

“Vấn đề đặt ra cho các trường khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm phải đảm bảo phù hợp với tất cả học sinh để đa số học sinh có thể tham gia được.

Hơn nữa, các hoạt động phải có ý nghĩa tác động đến học sinh, phải đảm bảo an toàn khi học sinh tham gia và phải được sự đồng thuận của học sinh cũng như phụ huynh học sinh.

Nếu như muốn đi xa mà đảm bảo số lượng học sinh tham gia đông đảo nhất thì nên tìm cách giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc tổ chức các hoạt động cho phù hợp”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Tổ chức trải nghiệm qua công ty, nhà trường có được chiết khấu?

Một vấn đề nữa cũng được nhiều phụ huynh quan tâm đó là việc các trường phối hợp với các công ty tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm thì có được hưởng lợi ích gì?

Chị K (đề nghị được giấu tên) chia sẻ: “Tôi đã có 2 con đi học từ lớp mẫu giáo đến hết chương trình phổ thông, tôi có hơn chục năm đồng hành cùng các cấp nhà trường nơi các cháu học tại Hải Phòng

Thực tế, các hoạt động này nếu ai tham gia thì thấy chủ yếu cho học sinh đi chơi là chính. Nhà trường gửi đến phụ huynh giấy thông báo, tuy không bắt buộc nhưng luôn có câu "trải nghiệm thực tế". Điều này khiến những gia đình không muốn cho con tham gia cũng rất suy nghĩ. Các bạn đi, con mình không được đi, các con sẽ tủi thân.

Vì câu này nên phụ huynh gần như bắt buộc phải cho con đi chơi dù trong lòng luôn lo lắng đến sự an toàn của các cháu. Không ít các vụ việc thương tâm từng xảy ra khi tổ chức các hoạt động này.

Chuyến đi được công ty du lịch thiết kế rất đơn giản và tiết giảm chi phí tối đa để họ có lợi nhuận cao nhất và có thể chiết khấu cao hơn cho đối tác.

Chính vì vậy nên một số ban giám hiệu nhà trường rất thích tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm. Số học sinh đi càng nhiều thì lại quả cũng lớn theo tỉ lệ thuận. Đó cũng là lý do dù biết sẽ gặp nhiều ý kiến của phụ huynh nhưng trường vẫn tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm dài ngày, đi xa”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một công ty chuyên về du lịch, trải nghiệm tại Hải Phòng cũng tiết lộ phần “chiết khấu” cho các nhà trường.

“Kinh doanh dịch vụ nào cũng có cơ chế. Thường thì mức chiết khấu mà công ty chuyên về du lịch, trải nghiệm cho nhà trường từ 10-15%, thấp nhất cũng phải có 10%”, vị này cho biết.

Cũng theo vị này, các công ty thiết kế chương trình trải nghiệm dựa trên yêu cầu của nhà trường, phụ huynh học sinh. Với mức giá nào thì các công ty tổ chức sự kiện cũng có thể thiết kế được.

“Cái quan trọng nhất là giá cả phải đi liền với chất lượng dịch vụ. Với giá 2,83 triệu đồng/học sinh cho một chương trình học tập trải nghiệm đi 3 ngày 2 đêm vào tận Quảng Trị thì đi kèm với nó phải là dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại thế nào.

Chất lượng dịch vụ còn phải dựa trên sự phản hồi của phụ huynh học sinh, của nhà trường sau chuyến đi. Sẽ chẳng có đơn vị sẵn sàng chấp nhận chiết khấu lại cho nhà trường trong khi tổ chức chuyến đi mà không có lợi nhuận”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Được biết, Trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong không chỉ tổ chức chuyến học tập trải nghiệm của lớp 12, trong tháng 1/2024, nhà trường đã tổ chức cho học sinh khối 11 đi tỉnh Hòa Bình vào giữa tháng 1/2024 trong 2 ngày 1 đêm, mỗi học sinh tham gia đóng 1.890.000 đồng. Số học sinh lớp 11 đã đi là 480/540 em.

Được biết, ngay trong chiều 1/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong tạm dừng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, do vẫn có dư luận về vấn đề kinh phí đóng góp khi Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 12 ngoài trường, nhà trường sẽ tiếp tục xin ý kiến cha mẹ học sinh.

Nếu tiếp tục không nhận được sự đồng thuận, nhà trường sẽ thông tin rộng rãi cho cha mẹ học sinh, đồng thời, báo cáo Sở dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường.

LÃ TIẾN