Đồng Nai bảo tồn nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch

Hội thảo bảo tồn nghề gốm Biên Hòa.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Theo UBND TP Biên Hòa, nghề gốm được hình thành từ cuối thế kỷ 18, phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, sự phát triển của nó gắn liền với quá trình khai khẩn và hình thành vùng đất con người Biên Hòa nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Hội thảo đã đi sâu thảo luận các vấn đề: lịch sử hình thành và phát triển, các giá trị đặc trưng của gốm Biên Hòa; kinh tế di sản gắn liền với văn hóa sinh kế trong thực hành tạo tác gốm, sáng tạo các sản phẩm du lịch gắn với hệ sinh thái gốm, chính sách, chiến lược và định hướng liên kết phát triển du lịch trong bối cảnh mới...

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, GT-TS Phan Thị Thu Hiền cho rằng Biên Hòa không nên phát triển theo mô hình làng gốm cổ như các địa phương khác trong cả nước mà nên gắn việc bào tồn, phát triển gốm với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thành phố sáng tạo. Biên Hòa hội tụ đủ các yếu tố: công nghệ, nghệ thuật và kinh doanh để xây dựng thành một thành phố gốm sứ như nhiều nước trên thế giới.

Các đại biểu tham quan các gian hàng gốm Biên Hòa.

Các đại biểu đã gợi mở một số ý kiến như: cần xây dựng bảo tàng gốm Biên Hòa, phát triển gốm trong công nghiệp văn hóa, cần xác định gốm Biên Hòa trong danh mục di sản văn hóa, xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu gốm Biên Hòa…

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai là văn hóa lâu đời. Ông mong muốn nghề này nó sẽ “sống” lại và gắn với sự phát triển về du lịch. Ông Hùng đánh giá cao 24 bài tham luận của các nhà khoa học gửi đến hội thảo; xem đây là những tư liệu quý, những gợi mở giúp cho tỉnh gìn giữ và phát triển nghề gốm trong tương lai.

Thiên Phúc - Hạnh Nguyễn