Giải thưởng Trần Văn Giàu dành cho nhà nghiên cứu bách niên

Với dung lượng 1.700 trang khổ 20,5 x 29cm, bộ sách là một công trình khoa học đồ sộ, không chỉ ở số trang, mà quan trọng hơn cả là dung lượng kiến thức, thông tin được tác giả truyền tải trong đó để giúp hệ thống chiều dài lịch sử hơn 320 năm định danh của đất Sài Gòn xưa và TP.HCM nay.

Tạo tác nên công trình có giá trị khoa học này là một quá trình “đào sâu” học thuật của nhà nghiên cứu bách niên. Theo lời tâm sự của cụ, tác phẩm này thành hình sơ khởi từ năm 1998 nhân sự kiện Sài Gòn 300 năm. Nhưng rồi vì trở duyên mà đến nay bộ sách mới đến tay độc giả. Thời gian chờ đợi là quá trình bổ sung tư liệu, tiếp cận kiến thức, quan điểm học thuật mới để tác phẩm đầy đặn, toàn diện. Nhờ đó khi ra đời, bộ sách nhận được sự đánh giá cao của độc giả và các nhà chuyên môn. Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu là sự ghi nhận công sức làm việc không ngơi nghỉ của nhà nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cười hiền bên bộ sách mới xuất bản. Ảnh: NXB Tổng Hợp TP.HCM

Quay lại với bộ sách trên, tập 1 viết về Sài Gòn - TP.HCM thời gian 1698-1945, tập 2 từ 1945-2020. Dù tập trung cho quãng thời gian 320 năm lịch sử Sài Gòn - TP.HCM nhưng không vì thế tác giả bỏ qua những dấu ấn lịch sử của vùng đất được mệnh danh “hòn ngọc Viễn Đông” này trước thời điểm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý, chia đặt đơn vị hành chính nơi đây năm 1698.

Độc giả được lần về quá khứ của vùng đất này với những chỉ dẫn địa lý, lịch sử từ thời tiền sử cho tới sự hiện diện của vương quốc Phù Nam, Thủy Chân Lạp… Nhưng nổi bật và giàu sức sống hơn cả là khi lưu dân người Việt vào Nam bộ khai phá, biến vùng đất lau lách, sình lầy thành vùng đất đáng sống, kiến tạo nên những phố thị Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên… Sài Gòn được thành hình từ quá trình ấy.

Dẫu là công trình mang đậm dấu ấn nghiên cứu cá nhân, nhưng Sài Gòn - Gia Định được tái hiện với bức tranh khá toàn diện từ tổ chức hành chính, an ninh quốc phòng cho tới kinh tế, văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng… Mỗi lĩnh vực lại được tác giả gạn lọc tư liệu lịch sử, làm nổi bật nét đặc trưng của vùng đất đô hội này. Chẳng hạn trong hoạt động giao thông vận tải, để ngăn tình trạng giả mạo, năm Canh Thìn (1700) chính quyền đã quy định sắc cờ cho các ghe vận tải. Về sau để không lẫn lộn, năm Bính Thân (1836), chính quyền ra quy định cấp thẻ bài, khắc chữ trên ghe thuyền để phân biệt. Điều đó cho thấy sự cập nhật quy định liên tục của chính quyền sở tại cho thích hợp tình hình thực tế.

Trong tập 2, từ 1945-2020, Sài Gòn là chứng nhân chủ đạo cho nhiều sự kiện lịch sử. Nhưng Sài Gòn thời 1945-2020 không chỉ là bom đạn, là chiến tranh. Những lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… vẫn được tác giả trình bày cô đọng. Những lĩnh vực ấy càng đậm nét hơn ở quãng thời gian 1975-2020 với nhiều thành tựu để kiến tạo nên một TP.HCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế, đô thị phát triển năng động bậc nhất của nước nhà.

Một lịch sử toàn diện của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM qua 320 năm được gói gọn trong 1.700 trang sách cũng là mong muốn của tác giả khi ở Lời nói đầu, ông chia sẻ: “Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà các cơ quan, cán bộ, công chức, các gia đình trong thành phố nên có, để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”.

Trần Đình Ba