Hơn 500 doanh nghiệp quan tâm tham gia Chương trình CSI 2023

Lễ trao giải CSI 2022. Ảnh: TTXVN

Theo tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến tuần thứ 2 của tháng 9 năm 2023, Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023) đã có hơn 500 doanh nghiệp quan tâm đăng ký, số lượng doanh nghiệp được đánh giá qua sơ khảo là 159 doanh nghiệp và sau ngày 15/9 sẽ tiếp tục cập nhật số lượng doanh nghiệp đánh giá chung khảo. Lễ công bố Chương trình CSI 2023 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2023.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Chủ tịch Hội đồng đánh giá Chương trình CSI 2023 cho biết, Ban chỉ đạo Chương trình CSI 2023 có sự phối hợp giữa VCCI với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững. Bởi hiện phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp. Chương trình CSI sẽ giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững và thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI.

Bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp theo Chương trình CSI: Số lượng chỉ số đánh giá doanh nghiệp là 130, bao gồm: 82 chỉ số cơ bản và 48 chỉ số nâng cao.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách kỹ thuật chương trình cho biết, với mỗi chỉ số, hội đồng xét duyệt bắt buộc phải lựa chọn điểm cho doanh nghiệp. Các chỉ số được đánh giá theo 5 mức độ khác nhau: Tốt – Khá – Trung bình – Yếu – Không có và Không thực hiện.

Đối với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ tài liệu chứng minh việc thực hiện (trong 3 năm/hoặc đến thời điểm nộp hồ sơ hoặc tài liệu ban hành 1 lần), có thể bao gồm: văn bản ban hành bởi lãnh đạo, kế hoạch triển khai, tài liệu thực tế triển khai, báo cáo.... đảm bảo cho chất lượng và hiệu quả công việc sẽ đạt mức điểm tốt. Doanh nghiệp thiếu tài liệu trong 1-2 năm hoặc đến thời điểm nộp hồ sơ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc thì có thể đạt mức điểm khá.

Những doanh nghiệp nào đã nhận được văn bản ban hành nhưng chưa triển khai hoặc đã và đang triển khai nhưng không có văn bản thể hiện liên quan (quyết định, phê duyệt, chiến lược...) chỉ đạt điểm trung bình và doanh nghiệp mới thực hiện ý tưởng, kế hoạch, thảo luận cuộc họp nhưng chưa có văn bản chính thức ban hành và hoạt động thực tiễn thì đạt điểm yếu.

Qua 7 năm triển khai, Chương trình CSI đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp với khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc nộp hồ sơ tham gia. Việc được bình chọn trong danh sách “Doanh nghiệp bền vững” hàng năm của chương trình chính là một danh hiệu đáng tự hào, là sự ghi nhận của Chính phủ, các bộ, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, xã hội về các hoạt động của những doanh nghiệp tiên phong có những đóng góp xuất sắc vào sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, danh hiệu này cũng mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông, góp phần vào việc phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN