Khổ sở vì thiếu nước

Tại quận Papar, bang Sabah - , quán ăn của ông Eddy đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hạn hán kéo dài nhiều tuần qua khiến đầu bếp 44 tuổi này thiếu cả nước đánh răng chứ đừng nói tới có nước phục vụ buôn bán, theo báo South China Morning Post.

Trận hạn hán - do hiện tượng El Nino gây ra thời tiết khô, nóng kéo dài - càng tồi tệ hơn vì hệ thống hạ tầng nước cũ kỹ. Chính quyền bang Sabah ước tính khoảng 150.000 dân Papar thiếu nước nghiêm trọng từ giữa tháng 2 - thời điểm nhà máy xử lý nước khẩn cấp trong quận bị nhiễm mặn và phải đóng cửa - dù thị trấn này có một con sông chảy qua.

Cũng phải điều xe bồn đến cung cấp nước tạm thời cho người dân như quận Papar nói trên là khu ngoại ô Bandepalya của TP Bengaluru, miền Nam Ấn Độ. Đài CNN mô tả người dân của khu nhà nghèo này phải xách xô xếp hàng chờ xe bồn chở nước từ 9 giờ sáng. Bốn giờ sau, xe bồn mới tới và chỉ chưa tới 1 giờ đã hết nước, kéo theo đó là cảnh cãi vã hỗn loạn và căng thẳng.

Người dân tại một khu dân cư ở TP Bengaluru - Ấn Độ chờ lấy nước từ xe bồn vào tháng 3-2024. Ảnh: REUTERS

Thu nhập của cư dân khu này vào khoảng 6.000 - 8.000 rupee/tháng/người (khoảng 70 - 95 USD) và nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài dốc phân nửa thu nhập vào mua nước sinh hoạt.

"Chúng tôi hầu như không dám tắm và hạn chế giặt quần áo" - cô Susheela, một cư dân ở Bandepalya, kể trong khi một phụ nữ khác tên Kumkum nói cô phải rửa mặt cho con cái mỗi buổi sáng bằng nước đóng chai.

Điều đáng nói là Bengaluru, hay còn gọi là Bangalore, từng được mệnh danh là "thành phố vườn tược của Ấn Độ" với mạng lưới hồ nhân tạo rộng lớn cung cấp nước cho người dân.

Mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ đầu những năm 1990, khi Bengaluru bùng nổ đô thị hóa để biến thành trung tâm công nghệ hàng đầu với biệt danh "Thung lũng Silicon của Ấn Độ" như ngày nay.

Hơn 70% lượng nước của thành phố lấy từ sông Cauvery nhưng mùa mưa năm ngoái lại ít mưa, khiến cả sông lẫn nước ngầm khô cạn. Theo chính quyền Bengaluru, khoảng 7.000 trong số 16.000 giếng đào của thành phố đã cạn nước.

Trong lúc chờ trời mưa xuống để xoa dịu bớt khủng hoảng - các chuyên gia Malaysia dự báo có bão và mưa lớn vào tháng 4 và tháng 5 tới, chính phủ Malaysia cho biết đang theo đuổi nhiều giải pháp đồng thời để quản lý nước hiệu quả hơn.

Chuyên gia về nước Azuhan Mohamed nhấn mạnh cần phát triển và tận dụng nước ngầm tốt hơn. "Chúng ta dựa quá nhiều vào nguồn nước mặt, do đó rất dễ thiếu nước mỗi khi vào mùa khô, trời không mưa" - ông chỉ ra và nói thêm người dân nên tham gia tiết kiệm nước bằng cách nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng mỗi khi phát hiện đường ống rò rỉ.

Đồng lúa của làng Ridogalih, Tây Java - Indonesia khô cằn trong mùa khô năm ngoái. Ảnh: CNA

Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi đây lại là sinh kế lớn ở Đông Nam Á, nơi có khoảng 600 triệu dân.

Trong mùa hạn năm ngoái, chính phủ của nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan đã khuyến khích nông dân bớt trồng lúa để tiết kiệm nước. Giới chức mới đây khuyến khích người dân chuyển sang ăn các loại ngũ cốc khác khi mà giá gạo đang lên cao - hệ quả của việc khô hạn, thiếu nước nên canh tác khó khăn, dẫn đến thiếu gạo.

Về lâu dài, theo nhà kinh tế học môi trường Romauli Panggabean của Viện Tài nguyên thế giới Indonesia, chính phủ Indonesia nên tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng tưới tiêu, bao gồm cải tạo các kênh đào hiện hữu và đào các kênh mới; song song đó là hướng dẫn nông dân các tập quán canh tác trong điều kiện hạn hán và các kỹ thuật bảo tồn nước, lưu trữ sau thu hoạch.

Theo Reuters, công nghệ cũng được khuyến khích áp dụng nhiều hơn, như dùng thiết bị bay không người lái và bộ cảm biến để theo dõi mùa màng, độ ẩm trong đất...

HẢI NGỌC