Kịp thời hỗ trợ những người gặp khó khăn

Ðại diện Liên đoàn Lao động quận 3 trao dụng cụ y tế cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" nhất của dịch Covid-19 ở thành phố, UBND huyện Hóc Môn đã hoàn thành công tác thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng để ngay khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB và XH) thành phố triển khai quy trình thực hiện là huyện tổ chức ngay việc chi trả gói hỗ trợ an sinh ảnh hưởng dịch Covid-19. Trưởng phòng LÐTB và XH huyện Hóc Môn, Mai Thị Ngọc Dung cho biết, toàn huyện có khoảng 8.500 lao động tự do không giao kết hợp đồng lao động, trong đó, nhiều nhất là những người phụ việc ở các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe. Hàng quán đóng cửa, hoạt động kinh doanh "đóng băng", họ bị mất việc cho nên mất hẳn nguồn thu để trang trải cuộc sống. Mỗi NLÐ tự do được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày, rất thiết thực để bản thân và gia đình họ trang trải phần nào trong lúc khó khăn chồng chất.

Ông Nguyễn Văn Lay, ngụ ấp Tân Lập, xã Xuân Thới Nhì, nơi tập trung nhiều NLÐ tự do của huyện Hóc Môn cho biết: "Tôi làm nghề thu gom rác dân lập nhưng do dịch bệnh phải nghỉ việc gần một tháng nay. Không có tiền lương, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào thu nhập của vợ tôi buôn bán ở chợ đầu mối Hóc Môn, nhưng chợ này cũng đã tạm dừng hoạt động. Ðược sự hỗ trợ của thành phố sớm chừng nào, gia đình tôi đỡ chật vật chừng đó".

Theo Sở LÐTB và XH thành phố Hồ Chí Minh, NLÐ tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc do dịch Covid-19, có thu nhập bằng hoặc thấp hơn bốn triệu đồng/tháng sẽ được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày. Lao động tự do thuộc sáu nhóm công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/5 cũng thuộc diện được hỗ trợ. Dự kiến, có khoảng 230 nghìn NLÐ tự do trên toàn thành phố được hỗ trợ.

Ðại diện Phòng LÐTB và XH quận 3 cho biết, thống kê toàn quận có gần một nghìn hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động theo yêu cầu của UBND thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ. Theo quy định của thành phố, hộ kinh doanh thành lập theo pháp luật doanh nghiệp (trừ hộ cho thuê nhà và mặt bằng) dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND thành phố để kiểm soát dịch Covid-19 sẽ được chi hỗ trợ hai triệu đồng/lần/hộ. Thuộc diện này, toàn thành phố dự kiến chi hỗ trợ là 10 nghìn hộ.

Những người đang rất cần nhận hỗ trợ vì ảnh hưởng dịch Covid-19 là NLÐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh). Thành phố sẽ hỗ trợ cho các đối tượng này 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần).

Gói an sinh xã hội lần thứ hai của UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xác định rõ các nhóm đối tượng với các mức hỗ trợ cụ thể, rõ ràng. Vấn đề còn lại là làm sao để quy trình thực hiện và thời gian chi trả bảo đảm nhanh, gọn, tránh gây phiền hà cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan, hướng dẫn và quy trình thực hiện do thành phố ban hành rất cụ thể, vì vậy các địa phương được giao thẩm quyền chi trả hỗ trợ trực tiếp phải trên tinh thần thủ tục đơn giản, phê duyệt nhanh chóng. Việc kê khai lập danh sách NLÐ bị mất việc, hoãn việc gửi quận, huyện xác nhận là trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp, không yêu cầu người nhận hỗ trợ làm gì thêm ngoài quy định. Trong vòng bảy ngày, chính quyền địa phương phải hoàn tất hồ sơ chi trả, hồ sơ nào không đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản ngay cho đối tượng biết rõ. Các biểu mẫu để đối tượng kê khai theo tiêu chí đơn giản, có thể tải trên internet xuống, khuyến khích việc chi trả thực hiện qua tài khoản ngân hàng.

"Trong tháng 8 tới, các quận, huyện, phường, xã phải hoàn tất công tác chi trả một lần cho tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định trên tinh thần xử lý nhanh, kết thúc sớm, không kéo dài để người dân, NLÐ phải chờ đợi mệt mỏi. Ðây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của thành phố mà còn là một chính sách xã hội nhân văn góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN