Lễ hội Cầu ngư - nơi kết nối truyền thống và dấu ấn văn hóa biển Đà Nẵng

Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân.

Với quận Thanh Khê, lễ hội Cầu ngư truyền thống được xem là lễ trọng lớn nhất trong năm của ngư dân vùng biển, là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt thể hiện bản sắc văn hóa dân gian, là dịp để tỏ lòng thành kính cũng như sự mong mỏi của người dân về một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Lễ hội Cầu ngư cũng là dịp để người dân địa phương được gặp gỡ, giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi trên bờ biển; đồng thời tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân miền biển Đà Nẵng tiếp tục vững tin, vươn khơi, bám biển.

Chùm ảnh lễ hội Cầu ngư được chụp vào sáng 29/2.

Lễ Nghinh thần tại Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê được tổ chức trang trọng sáng sớm 29/2. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Mở đầu phần chính của Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê, các bô lão trong làng cùng thực hiện nghi thức Lễ Nghinh thần. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Với quận Thanh Khê, lễ hội Cầu ngư truyền thống được xem là lễ trọng lớn nhất trong năm của ngư dân vùng biển. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Các vị lão làng tham gia phần chính lễ của Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Phần chính lễ được tổ chức trang nghiêm tại biển Hà Khê, đây cũng là vùng đất ngư dân Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng gắn với nghề biển hàng nghìn năm qua. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Các đại biểu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dâng hương tại Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Thanh Khê, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê cho biết, địa phương đang nỗ lực chuẩn bị xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển Lễ hội cầu Ngư, nâng cấp thành lễ hội cấp thành phố. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Lễ hội với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều hải sản. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Năm 2024, lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê được tổ chức quy mô, kéo dài từ ngày 27-29/02/2024, nhằm ngày 18-20 tháng Giêng năm Giáp Thìn. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Tại lễ hội, ngoài phần Lễ được diễn ra theo nghi thức truyền thống thì phần hội đa dạng gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Trong ảnh là người dân các phường trên địa bàn quận Thanh Khê trong phần thi gánh cá. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Các ngư dân Thanh Khê trong phần thi đan lưới. (Ảnh: ANH ĐÀO)

...Và sôi nổi trong phần thi kéo co ngoài bãi biển (Ảnh: ANH ĐÀO)

Lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia, cỗ vũ cho các đội thi thể thao. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Các gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Đông đảo học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử trong Không gian trưng bày tư liệu "Hoàng Sa là của Việt Nam" tại Lễ hội cầu Ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Tại chương trình, Báo Người Lao Động thực hiện chương trình Tự hào cờ Tổ quốc, trao 1.000 lá cờ Tổ quốc và cơ số thuốc y tế cho ngư dân quận Thanh Khê. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ngay sau phần chính lễ, quận Thanh Khê phát lệnh ra khơi cho đội tàu đánh bắt xa bờ. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động trong phần lễ và hội gắn với nghề biển, lễ hội Cầu ngư cũng là dịp để bà con động viên nhau bám biển, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa của người dân. (Ảnh: ANH ĐÀO)