Messi rời Barca - đoạn kết của thanh xuân

Brian Glanville, cây bút huyền thoại từng tác nghiệp tại kỳ World Cup 1958 trên đất Thụy Điển, luôn coi Alfredo Di Stefano trên tầm tất cả những siêu sao bóng đá sau này.

Glanville viết: “Bây giờ thì người ta đã quên Di Stefano trong khi ông ấy tạo ra lịch sử của Real Madrid. Cristiano Ronaldo là một cầu thủ tấn công thượng thặng, nhưng Di Stefano tạo ra ảnh hưởng trên khắp mặt sân. Có một khoảnh khắc Di Stefano cho thấy mình trên tầm tất cả, diễn ra trong trận chung kết cúp C1 với Eintracht Frankfurt.

Messi rời Barca sau 21 năm. Ảnh: Getty.

Mới phút trước, ông ta vừa phá bóng ngay trên vạch vôi trước khung thành. Một chốc sau đã thấy ông ở tuyến giữa, kiến tạo cho đồng đội ghi bàn. Di Stefano là hiện thân cho bóng đá tổng lực, từ trước khi người ta có khái niệm về nó”.

Một cây bút trưởng thành trong thập niên 50, chứng kiến khoảnh khắc đỉnh cao nhất của Di Stefano đã viết như vậy về “Mũi tên bạc”. Những cây bút trưởng thành trong thế kỷ 21 sẽ viết gì về Lionel Messi cho hậu bối chiêm ngưỡng khi cứ mỗi tuần liên tục trong hơn 16 năm qua, El Pulga luôn trình diễn thứ bóng đá tuyệt mỹ.

Đứt gãy lương duyên

Đó là chuyện của tương lai. Nhưng điểm xuyết trong những câu chuyện của thì tương lai ấy sẽ là xót xa. Ngày 8/8/2021 sẽ đi vào lịch sử bóng đá thế giới khi Messi nói lời chia tay với Barca, nơi cho anh tất cả, và cũng là nơi anh đã cống hiến trọn vẹn những năm tháng thanh xuân rực rỡ nhất.

Hơn hết, cả một thế hệ giới mộ điệu cũng coi như tạm biệt với thanh xuân của chính họ, thanh xuân thấy Messi khoác áo Barca từ khi còn là một cầu thủ trẻ, chinh phục thế giới bằng những chiến tích vô tiền khoáng hậu cùng Barca, trở thành ông bố ba con cùng 6 Quả bóng Vàng, và giờ là rời Camp Nou trong nước mắt.

Messi đã chinh phục tất cả ở Barca. Ảnh: Getty.

Sau những tuyên bố gây chấn động của Barca và Chủ tịch Joan Laporta trước đó, không ít người vẫn chọn cách tin đây chỉ là chiêu trò của đội bóng xứ Catalonia để giữ chân Messi. Và El Pulga bằng cách nào đó sẽ “quay xe” vào phút chót để gắn bó với nơi không chỉ là bệ đỡ của sự nghiệp, mà còn thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh.

Trong những ngày thơ ấu ở quê nhà Rosario (Argentina), Messi và hội bạn thường tụ tập chơi game bóng đá trên Nintendo. Mỗi đứa trẻ phải chọn một chiếc áo đấu trước “giờ G”, mặc nó, và chỉ được phép chọn đội bóng ấy để thi đấu. Messi luôn chọn áo của Barca.

Đằng sau tuổi thơ ấy không hẳn đã là một tương lai yên bình với Messi. Quê nhà Rosario của Messi là cái nôi của nhiều băng nhóm tội phạm buôn từ ma túy đến vũ khí. Chính anh trai Matias của Messi là một giang hồ tay nhuốm máu, và từng đối diện án tù.

Nếu không sớm rời Argentina, thật khó để biết cuộc đời Messi sẽ thay đổi như thế nào. Anh có thể là một cầu thủ giỏi rê dắt, nhưng ốm yếu còi cọc, và vô danh. Newell’s Old Boy hay River Plate đều đã từ chối thu nạp Messi. Cả hai viện cớ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina đầu thế kỷ 21 nhưng thực chất là vì không tin Messi có thể cải thiện được thể chất.

Bị chính quê hương Argentina quay lưng, nên câu chuyện Barca từ bên kia Đại Tây Dương thu nạp Messi vào đội trẻ, chi tiền hoàn tất tiêm hormone tăng trưởng, mua nhà để cả gia đình Messi đến sinh hoạt, và ký nháy tất cả qua chiếc khăn ăn.

Không ít nhân vật cộm cán của Barca ngày đó không tin lời PR về cậu con trai thần đồng của ông bố Jorge Messi. Chủ tịch Joan Gaspart là điển hình. Ông này cảm thấy những yêu cầu từ phía gia đình Messi đầy phiền nhiễu và bất công với những đứa trẻ tài năng trong học viện La Masia.

May mắn cho Messi (và cả thế giới bóng đá) là có những nhân vật nhìn thấy tương lai từ đôi chân thoăn thoắt của Messi. Joan Lacuevar Colomer, thành viên của BLĐ Barca ngày đó chẳng hạn. Giữa lúc đội ngũ lãnh đạo Barca cố gắng làm hết cỡ để đưa Javier Saviola về Camp Nou từ River Plate, Colomer vẫn quả quyết Barca phải ký hợp đồng với cậu bé 13 tuổi Messi trước.

Tranh cãi dâng cao, Colomer nói thẳng: “Cứ để vuột mật thằng nhóc đấy đi. Rồi các quý vị ngồi đây sẽ được ghi danh như lũ tội đồ lớn nhất lịch sử”. Năm 2010, 4 năm trước khi qua đời, Colomer nói với El Pais: “Tôi được trả lương để làm những gì tốt nhất cho Barca. Nếu tôi không nói và không ai nói, Messi sẽ thuộc về người khác”.

Hợp đồng ký với Messi trên chiếc khăn ăn giờ trở thành huyền thoại. Ảnh: Guardian.

Xuyên suốt 21 năm sự nghiệp thi đấu tại Barca, Messi đã ghi 672 bàn, kiến tạo 305 lần sau 778 trận. Nếu tổng hợp toàn bộ số bàn thắng trong lịch sử Barca để chiếu ngẫu nhiên lên màn ảnh lớn, trung bình cứ sau 11 bàn, cái tên Messi sẽ xuất hiện một lần.

Barca giành tổng cộng 95 danh hiệu lớn nhỏ suốt 122 năm lịch sử, 35 trong số đó có được khi Messi xuất hiện ở đội một. Bất kỳ kỷ lục nào về số bàn thắng hay kiến tạo từng tồn tại ở Barca đều đã bị Messi công phá. Những kỳ tích trong quá khứ chỉ là cột mốc bình thường với tài năng của Messi.

Giới mộ điệu trên toàn thế giới đã coi Messi là Barca và ngược lại. Cho đến trước thời điểm 8/8 lịch sử. Đó không hẳn là một cuộc họp báo chia tay, mà thực tế mang màu sắc như một đám ma cho cái chốt đột ngột của mối lương duyên Messi - Barca tưởng chừng như sẽ kéo dài mãi mãi.

Tượng đài sứt mẻ

Athletic trong bài báo đầu tiên lên trang khi Barca tuyên bố chia tay Messi đã chọn dòng tít: “Messi rời Barca sẽ thay đổi cái nhìn của thế giới về anh ấy, và điều đó thật buồn”.

Đó có thể là cảm giác chung của giới mộ điệu, những người có thể đã theo dõi Messi chơi bóng từ thời điểm vào sân thay Deco ngày 1/5/2005 và ghi bàn đầu tiên cho Barca, đến những chiến tích liên tục trong suốt 16 năm sau đó.

Thế giới đã luôn coi Messi sẽ là “One club man” vĩ đại tiếp theo của lịch sử. Paolo Maldini, Franco Baresi, Carles Puyol, Francesco Totti, Ryan Giggs, Paul Scholes… là những tượng đài. Song Messi hay hơn, duy trì đỉnh cao tốt hơn, bền bỉ hơn. Quan trọng nhất: Messi chưa dừng lại.

Messi nhiều khả năng sẽ chọn PSG làm điểm đến sau khi rời Barca. Ảnh: Getty.

Song khi Messi rời Barca, mọi chuyện đã thay đổi. Thế giới không thể coi Messi là của riêng Blaugrana được nữa. Với thu nhập 40 triệu euro/mùa sau thuế, cùng vị thế ông vua tại đội bóng mới (99% là PSG), Messi sẽ bắt đầu một hành trình đầy danh vọng khác mà không phải Barca.

Steven Gerrard, John Terry, Javier Zanetti… là những huyền thoại không gắn bó cả sự nghiệp với duy nhất một CLB, nhưng họ đã đi hết chu kỳ vinh quang với chỉ một màu áo. Tất cả nhận được sự tôn trọng tuyệt đối.

Nhưng ngay khi Messi khoác lên mình màu áo mới, xung đột sẽ tới. Không có gì đảm bảo Messi sẽ nhận được trọn vẹn sự yêu thương từ những người hâm mộ Barca nếu anh sút tung lưới đội bóng từng làm nên tên tuổi mình. Tình cảm sẽ sứt mẻ. Đâu đó sẽ có la ó, chỉ trích, thậm chí thù hằn.

HLV huyền thoại Brian Clough từng nói bóng đá là môn thể thao “không có chỗ cho lời cảm ơn”. Những tình cảm mà Barca đang dành cho Messi lúc này trên mạng xã hội chỉ có giá trị bởi El Pulga chưa công bố bến đỗ mới. Ngay khi màu áo mới của Messi được làm sáng tỏ, những thể hiện ấy sẽ chấm dứt.

Chuyện cậu bé Messi tới Barca từ Argentina năm 13 tuổi, vươn mình thành người khổng lồ vĩ đại bậc nhất của bóng đá thế giới đã luôn được xem như câu chuyện cổ tích giữa thế giới bóng đá khắc nghiệt.

Song không phải chuyện cổ tích nào cũng có hậu.

Messi lên đường gia nhập PSG Chiều 10/8, Lionel Messi đến sân bay El Prat tại Barcelona, lên đường sang Paris để hoàn tất việc gia nhập đội bóng thủ đô nước Pháp.

Việt Nhật