Mỹ tiếp tục bác yêu sách Biển Ðông của Trung Quốc

Tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Ðông. Ảnh: Getty Images

Phát biểu hôm 11-7, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết không nơi đâu mà trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế lại “bị đe dọa” nghiêm trọng như ở Biển Ðông. Với lời lẽ cứng rắn, ông Blinken trực tiếp cáo buộc Trung Quốc đang “cưỡng ép và bắt nạt” các quốc gia ven biển ở Ðông Nam Á, đe dọa quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thủy huyết mạch này.

Thông điệp trên được đưa ra trùng với kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận của nước này ở Biển Ðông trong vụ kiện của Philippines. Cũng thời điểm này năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo nói rõ Washington ủng hộ phán quyết kèm theo khẳng định các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Ðông là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Nhấn mạnh Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình trong khu vực, ông Pompeo cáo buộc Trung Quốc đã dùng sức mạnh để thay thế luật pháp quốc tế.

Ðề cập tuyên bố ban đầu của người tiền nhiệm Pompeo, ông Blinken cho biết Washington hôm nay khẳng định lần nữa sự ủng hộ đối với chính sách ngày 13-7-2020 liên quan các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Ðông. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích và chứng minh trước cộng đồng quốc tế việc họ cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia.

Bảo vệ Philippines

Riêng trong tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines, chính quyền Biden cảnh báo Bắc Kinh về bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay quân sự của quốc gia đồng minh ở những “điểm nóng” trên Biển Ðông sẽ kích hoạt phản ứng của Mỹ theo cam kết trong hiệp ước phòng thủ chung. Theo Ðiều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung được Mỹ ký kết với Philippines năm 1951, hai quốc gia phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.

Trước đây, chính sách của Mỹ kiên định với chủ trương các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua trọng tài do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Trong những năm gần đây, Washington tuy giữ thái độ trung lập nhưng đã có nhiều động thái lộ rõ quan điểm đứng về phía các quốc gia phản đối Trung Quốc. Một trong số hành động cụ thể là việc Mỹ liên tục điều tàu chiến và máy bay đi qua khu vực như một phần trong sứ mệnh tuần tra, đảm bảo và thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không trên các tuyến đường thủy đông đúc. Dưới thời Tổng thống Trump, Hải quân Mỹ đã tăng gấp đôi các chuyến áp sát thực thể nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Ðông so với giai đoạn 2014-2018. Chiến hạm Mỹ trong năm 2020 cũng đi qua eo biển Ðài Loan 13 lần, nhiều nhất trong vòng 14 năm qua.

Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các nhóm tàu tấn công đổ bộ Mỹ tiếp tục hiện diện trong vùng biển lân cận Trung Quốc trong khuôn khổ thực hiện hoạt động tự do hàng hải và tập trận chung với đồng minh. Ðáng chú ý, các tàu chiến trước khi đến Biển Ðông đều có hành trình đi qua eo biển Ðài Loan. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này nói lên chính quyền Biden sẽ quyết liệt, cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong thời gian tới.

So sánh lực lượng vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia quân sự nhận định cường quốc châu Á đang có lợi về mặt quân số và được đánh giá cao đối với khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo; trong khi Washington giành ưu thế về năng lực trên bộ, trên biển, trên không khi sở hữu nhiều công nghệ vũ khí hiện đại. Mỹ cũng duy trì khoảng cách với Trung Quốc về kho vũ khí hạt nhân và ngân sách quốc phòng khi tiếp tục là nước chi tiêu cho quân sự nhiều nhất thế giới.

MAI QUYÊN (Theo AP, SCMP)