Nghệ nhân, đồng thầy Bùi Văn Kiên - Người giữ hồn văn hóa truyền thống

Nghệ nhân, đồng thầy Bùi Văn Kiên đón nhận bảng vàng vinh danh

Nghệ nhân, đồng thầy Bùi Văn Kiên sinh năm 1965 tại Thanh Hóa. Từ thời chiến tranh đến thời bình, con người xứ Thanh vẫn thế- với ý chí và tinh thần quật cường đấu tranh, thời chiến là với đế quốc tàn bạo và thời bình là với đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống theo nghiệp phụng sự Thánh, nên thầy Kiên cũng ảnh hưởng theo tín ngưỡng tâm linh của gia đình, kế thừa truyền thống cha truyền con nối, đời đời gìn giữ bảo lưu những di sản văn hóa vô giá của dòng họ và của đất nước.

Duyên Phật – Thánh là duyên tiền định

Vốn là người có căn duyên với cửa Cha cửa Mẹ, nay lại được phụng nghiệp cha ông tiếp nối truyền thống của dòng tộc. Ông cha thầy là những người rất am hiểu về văn hóa tâm linh của Việt Nam, đặc biệt là nghi lễ thờ Tam, Tứ phủ. Ngay từ khi còn nhỏ, thầy đã biết đến những đàn lễ của bố, những lời ca tiếng hát trong những giá hầu Mẫu, hầu Thánh. Từ thuở sinh thành, ông cha thầy truyền lại những giá trị di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là nghi lễ thờ Tam phủ. Chính nhờ xuất thân từ cái nôi văn hóa của gia đình cộng thêm tình yêu sâu sắc đối với đạo Mẫu, thầy luôn một lòng gắn bó để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhưng tới những năm lên 13, 14 tuổi thì mới được ông nội và dòng họ xét đủ tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực, và được giao ấn quyết cùng với “ đồ khót” để kế thừa sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu.

Dành trọn tuổi xuân phụng sự việc Thánh

Thấm thoắt cũng đã hơn 40 năm đồng trôi qua, một người con xứ Thanh đã dành trọn tuổi xuân để phụng sự Thánh Mẫu. Có những năm tháng khó khăn vất vả, bị cấm đoán, cản trở nhưng thầy và hết thảy những người con Thánh lúc bấy giờ vẫn luôn kiên tâm bền chí phụng sự nhà Ngài trong sự lặng lẽ. Đó là giai đoạn nước ta bắt đầu đi lên chủ nghĩa xã hội, mọi nghi thức lễ nghi, tín ngưỡng tâm linh một phần bị bài xích và hạn chế. Thời gian đó, những khi thầy làm việc chữa bệnh cứu người, hay thực hiện nghi lễ hầu Thánh đều phải diễn ra trong sự âm thầm lặng lẽ. Làm việc tâm linh nhưng thầy luôn nhất mực tuân theo những quy định của chính quyền, thầy luôn một lòng một dạ hướng Tâm mình với Phật Thánh, luôn phát tâm công đức hành trì việc đạo việc đời một cách vẹn tròn. Dù con đường đến với Mẫu gặp nhiều khó khăn nhưng trên hết đồng thầy, pháp sư Bùi Văn Kiên đã vượt qua, và đến được cái đích cuối cùng. Đến năm 2009, việc tâm linh được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, nhân dân có cái nhìn nhận đúng mực hơn, thầy Kiên càng trân quý, đồng lòng làm việc Mẫu giúp người, từ đó thầy Kiên dốc hết tâm sức tu sửa điện Tam Phủ Linh Ứng Điện khang trang, để thờ Cha kính Mẹ. Một người trọng đạo như Thầy vẫn luôn là tấm gương mẫu mực để các thế hệ con cháu sau này học tập và tu dưỡng.

Dĩ hòa vi quý, sống tốt đời đẹp đạo là cái gốc của Chân – Thiện - Mĩ

Thầy Kiên luôn vui vẻ hành trì việc đạo việc đời, không sân si bất kể điều gì. Hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội là việc làm thường xuyên và liên tục mà thầy dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của mình để tham gia. Đó cũng chính là việc làm hành thiện mà thầy luôn muốn nhắc nhở và răn dạy con cháu của mình hướng về nguồn cội, hướng về quê hương. Hơn hết là bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc. Một tín ngưỡng có sức hút bền bỉ theo thời gian cùng với sự biến thiên của lịch sử. Đạo Mẫu vẫn có sức hút mãnh liệt và sống trong dòng chảy đương thời của xã hội, làm nó khác với tất cả các tôn giáo khác. Văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời, giúp con người ta giác ngộ về đạo đức, bản chất con người vốn thiện, hướng con người hoàn thiện phẩm chất đạo đức với những giá trị tốt đẹp của truyền thống đạo đức gia đình, truyền thống làm người của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như càng tiếp thêm động lực cho đồng thầy pháp sư Bùi Văn Kiên trên con đường hành Đạo của mình và với cái tâm trong sáng lòng nhiệt huyết, thầy luôn cho rằng đó là những gì cần thiết mà bản thân mình phải làm. Nhìn lại quá trình cống hiến của mình, thầy nhận được nhiều giấy khen, bằng chứng nhận trong và ngoài tỉnh. Những ghi nhận trên là một phần động viên, khích lệ đối với sự cố gắng nỗ lực của thầy. Chặng đường hoạt động văn hóa tâm linh còn dài hi vọng nhờ sự nhiệt tình, cẩn thận và tâm huyết của thầy thì tín ngưỡng của dân tộc sẽ càng ngày được nhiều người công nhận và tin yêu hơn.

Nguyễn Hương