Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong lòng Gen Z

Tâm huyết của thầy giáo trẻ

Với những ai yêu thích các chương trình văn hóa, nghệ thuật, hẳn không thể nào quên các tiết mục đặc sắc của đoàn Nghệ An tham gia tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc khu vực biên giới Việt - Lào tổ chức tại tỉnh Điện Biên vào năm 2023.

Tại ngày hội, đoàn đã xuất sắc đạt Huy chương Vàng với sự ghi nhận, đánh giá cao từ ban tổ chức và những khán giả có mặt. Ít ai biết rằng, cùng với các diễn viên chuyên nghiệp đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh thì có 8 diễn viên xuất sắc góp mặt biểu diễn trong đoàn là học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An.

Các em học sinh thế hệ Gen Z của Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã cùng nhau mang văn hóa truyền thống đặc sắc đồng bào mình đến gần hơn với mọi người. Ảnh: Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An

Đồng hành cùng các em trong suốt quá trình luyện tập và biểu diễn là thầy giáo, Bí thư Đoàn trường Trần Đình Huy (SN 1993). Thầy cũng là người đã đứng ra thành lập và nỗ lực duy trì hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc của trường. Từ đây, đã nuôi dưỡng và tiếp lửa đam mê cho nhiều thế hệ học trò với các bộ môn nghệ thuật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thầy Trần Đình Huy (SN 1993) đã đạt rất nhiều giải thưởng về công tác Đoàn và là người thành lập CLB Nghệ thuật dân tộc của Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhớ về những ngày đầu ấp ủ ý tưởng thành lập câu lạc bộ đặc biệt ấy, thầy Trần Đình Huy cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tương Dương. Bố tôi từng là giáo viên cắm bản tại các xã miền núi của huyện và ông thực sự yêu mến con người, cảnh sắc và nét văn hóa đặc sắc của người dân tại những vùng đất mà ông đã đi qua. Bố tôi nói tiếng Thái rất giỏi, nhờ vậy, ông đi sâu tìm hiểu phong tục, tập quán bản địa để thấu hiểu hơn học trò của mình. Tình cảm ấy của bố cũng dần nhen nhóm trong lòng tôi qua những ngày được theo ông đi đến những bản làng xa xôi, nghe ông kể những câu chuyện cảm động về quá trình gắn bó với bà con trong quá trình cắm bản".

Thầy Trần Đình Huy (hàng đầu bên phải) cùng các thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân trong Chương trình “Thanh âm núi rừng” năm 2023. Ảnh tư liệu: Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An

Học hết lớp 9, Trần Đình Huy thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh với số điểm cao. Trong quá trình học tập, Huy được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đoàn trường. Sau khi tốt nghiệp đại học và gắn bó với một vài vị trí công tác, năm 2020, Trần Đình Huy trở về làm việc tại Tổ Hành chính - Quản sinh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

Được về lại trường xưa, gắn bó với các em học trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy giáo trẻ ấp ủ mình phải làm gì đó để giúp các em không mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cho dù được học tập giữa phố thị phồn vinh.

Hơn ai hết, thầy Huy hiểu việc cần thiết phải tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho các em sau giờ học để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Từ tâm huyết ấy, thầy đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường để thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc.

Những em học sinh dù tuổi còn trẻ nhưng đã ý thức rất cao trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Ngày đầu thành lập, câu lạc bộ có 45 thành viên là con em dân tộc Thái, Ơ Đu, Thổ, Mông... Đây là những nhân tố tiêu biểu trong phong trào học tập và có niềm đam mê với các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường. Tham gia câu lạc bộ, tùy vào năng khiếu và sở trường riêng, các em sẽ được phân về 6 ban và được phụ trách các nội dung từ đàn, hát, nhảy, múa, kịch, MC, truyền thông, hội họa.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng thường xuyên mời các nghệ nhân ưu tú về truyền dạy thêm cho các em kỹ thuật nhảy sạp, đánh cồng chiêng, khắc luống, chơi đàn, chơi khèn... Nhờ thế, các em được phát huy tối đa năng khiếu của bản thân và được định hướng để hiểu hơn các giá trị truyền thống dân tộc; từ đó nuôi dưỡng đam mê và ý thức gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

Dưới sự kết nối của nhà trường và thầy Trần Đình Huy, các nghệ nhân ưu tú đã luôn đồng hành với câu lạc bộ trong thời gian qua. Ảnh: Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An

Lan tỏa mạch nguồn văn hóa truyền thống

Kể từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã liên tiếp gặt hái những thành quả đáng ghi nhận, như giải Nhất Liên hoan “Tiếng hát học sinh, sinh viên thành phố Vinh năm 2021; giải Nhì Liên hoan “Các câu lạc bộ nghệ thuật thành phố Vinh năm 2023”; giải Ba Hội thi “Tìm kiếm tài năng tỉnh Nghệ An” năm 2023.

Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã đạt được nhiều giải cao tại các hội thi văn hóa, văn nghệ các cấp. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đặc biệt, năm 2022, các em học sinh trong câu lạc bộ đã hỗ trợ tích cực trong các tiết mục biểu diễn cùng với đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An tham dự Ngày hội Văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Kon Tum, kết quả đoàn xuất sắc đạt giải A, B tập thể và cá nhân.
Câu lạc bộ còn là nơi chắp cánh ước mơ vào giảng đường đại học cho nhiều em học sinh. Các thầy cô, bạn bè vẫn còn nhớ đến nữ sinh người dân tộc Ơ Đu, Lo Thị Phượng (SN 2004). Từ quê nhà Tương Dương, Phượng thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và nuôi ước mơ bước vào Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Để rèn giũa năng khiếu, em đã đăng ký trở thành thành viên ban nhảy - múa của Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc.

Thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh hát múa các tiết mục văn hóa dân tộc tại sân trường chào mừng khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An

Và rồi, dưới sự đồng hành, dẫn dắt của chủ nhiệm câu lạc bộ và các nghệ nhân, em đã giành được số điểm rất cao trong môn thi năng khiếu khi thi vào trường đại học mình mơ ước. Giờ đây, khi đã là sinh viên năm 2 của trường, là cô giáo trong tương lai, Lo Thị Phượng vẫn thầm cảm ơn những ngày tháng học tập tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An cũng như quá trình sinh hoạt tại câu lạc bộ ý nghĩa ấy.

Còn đối với nữ sinh người Thái - Mạc Lương Hà Anh (SN 2006), hiện đang là thành viên trong Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc cũng đã xuất sắc đạt Huy chương Vàng Cuộc thi sáng chế khoa học, kỹ thuật Olympic phát minh sáng chế thế giới WICO năm học 2022-2023.

Mạc Lương Hà Anh (SN 2006) - thành viên CLB Nghệ thuật dân tộc đã đạt Huy chương Vàng Cuộc thi sáng chế khoa học, kỹ thuật Olympic phát minh sáng chế thế giới WICO năm học 2022-2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước vào năm học 2023-2024, em đã đạt nhiều giải thưởng văn nghệ cấp trường, cấp thành phố và giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh, là điển hình được Tỉnh đoàn tuyên dương “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác” năm 2024. Theo Hà Anh, việc trở thành thành viên của câu lạc bộ đã giúp em có điểm tựa vững chắc về tinh thần, có được sự cân bằng giữa việc học và sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh Lo Thị Phượng và Mạc Lương Hà Anh, còn rất nhiều thành viên của câu lạc bộ đã trở thành sinh viên ưu tú của các trường cao đẳng, nghệ thuật trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhờ được rèn giũa tài năng trong môi trường ấy, các em sau khi vào đại học đều trở thành những cán bộ Đoàn - Hội xuất sắc.

Thầy Trần Đình Huy cùng các em học sinh trong Câu lạc bộ Nghệ thuật dân tộc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Giờ đây, câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên đăng ký tham gia sinh hoạt. Chứng kiến bước tiến tích cực của các em trong câu lạc bộ, hơn ai hết, thầy Trần Đình Huy là người mừng vui nhất. Vừa qua, công trình “Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục về “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” cho học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú” của thầy cũng đã được công nhận là sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.

Đó là động lực để thầy giáo trẻ tiếp tục cố gắng lưu giữ, lan tỏa những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc và qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy có hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh nhà trong nhịp sống hiện đại.

Thanh Quỳnh