Nuôi loài ong lạ dưới tán cây, anh nông dân bỏ túi trăm triệu mỗi năm

Thời gian qua, mô hình nuôi ong dú tự nhiên được nhiều nông dân trẻ ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lựa chọn để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao. Điển hình là trại ong dú dưới tán vườn điều rộng hàng nghìn m2 của anh Trần Thanh Toản (41 tuổi, trú ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc).

Một trong số hàng trăm tổ ong dú được anh Trần Thanh Toản nuôi dưới tán cây, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ lượng mật thu được.

Anh Trần Thanh Toản cho biết, khoảng 10 năm trước, trong một lần vào bìa rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu để lấy củi, anh phát hiện tổ ong từ cây gỗ mục rỗng bên trong có mật với nhiều ong nhỏ đang đeo bám, nên lấy mang về dùng thử.

“Thoạt đầu nhìn thấy mật có màu sắc khác lạ, nếm có vị ngọt ngon nên tôi bắt đầu tìm hiểu. Sau khi biết đây là mật ong dú, loại mật ong quý hiếm, có giá trị kinh tế cao nên tôi quyết định theo đuổi đam mê nuôi ông dú từ đó”. Anh Toản nói.

Đến nay, sau khi đưa về thuần hóa, anh Toản đã tách ra thành hàng trăm đàn bằng cách nuôi trong thùng gỗ đục rỗng. Việc lấy mật giúp anh thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Toản, ong dú, còn gọi là ong rú, là loài ong không ngòi đốt trong tự nhiên. Thùng nuôi ong được anh làm bằng gỗ thông, sau đó cố định trên cọc sắt cao hơn một mét trong các lùm cây, dưới tán cây có bóng mát.

Ảnh Toản (đội mũ) chia sẻ về cách làm thùng nuôi ong dú và kinh nghiệm gầy đàn cho người dân.

Anh Toản kể, ban đầu, anh nuôi trong thùng gỗ lớn, ong sinh trưởng chậm, cho mật ít. Qua thời gian tự mày mò, tham khảo tài liệu nước ngoài, anh tạo ra những chiếc thùng bằng gỗ thông sáu mặt bịt kín có kích thước rộng 17cm, dài 40cm, cao 15 cm, chỉ chừa lỗ nhỏ thông ra bên ngoài để ong ra vào. Trong thùng chia thành 4-5 ngăn (dạng hộp) để ong sinh sản, tạo sáp và mật ong.

"Ong dú có kích thước bé bằng 1/2 đến 1/3 so với ong ruồi, ong khoái và tính hiền nên dễ bị thằn lằn, chim yến rình bắt ăn. Loại thùng chỉ một lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ giúp bảo vệ được chúng", anh Toản chia sẻ.

Từ đàn ong ban đầu, đến nay anh Toản đã phát triển lên hơn 700 tổ ong dú, nuôi trong vườn điều gần 2ha. “Loài ong này từ lúc tách đàn đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng, thường cho mật vào vụ sau Tết cho đến tháng 4,5. Còn mùa mưa là mùa sinh sản và phát triển cấy mật”, anh Toản nói.

Ong dú tạo mật, sáp chứa trong ngăn thùng nuôi, chuẩn bị cho kỳ thu hoạch.

Theo anh Toản, một tổ ong cơ bản chỉ một ong chúa duy nhất có thể sống được từ 4 đến 5 năm. Ong thợ sống được 2 tháng, có vài chục đến vài trăm nghìn ong thợ. Ong đực có vài chục đến vài trăm con và chỉ xuất hiện tập trung vào mùa sinh sản, ấu trùng ong chúa lớn trở thành ong chúa trưởng thành.

Khi tổ ong có trọng lượng tịnh khoảng 3kg, trứng chín có màu ngà (khác với trứng non có màu vàng đất), quan sát trứng có điểm mắt cũng là lúc chuẩn bị thùng để tiến hành tách, san trứng chín qua thùng mới và cứ thế theo thời gian lượng tổ được tăng lên.

Mỗi tổ ong giống có thể tách đàn sau 6 tháng đến một năm, khi tổ đã đạt một mức độ phát triển nhất định với lượng ong ra vào.

Anh Toản cho hay, mỗi tổ ong dú lượng mật thu được tùy vào điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ. Công việc chăm sóc và lấy mật cũng đơn giản không phải mất nhiều công sức. Với hơn 700 tổ, lượng mật ong dú anh Toản thu được khoảng 350 - 400 lít/năm, giá bán theo thị trường hiện nay khoảng 800.000 đồng/lít.

Về định hướng phát triển lâu dài, anh Toản cho biết, không chỉ tách đàn, nhân giống để nuôi, anh còn hướng đến việc mở rộng quy mô kết hợp khai thác du lịch sinh thái, cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn đến tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi ong du sinh thái.

Mật ong dú sau khi thu hoạch.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá mô hình nuôi ong dú của anh Toản vừa thân thiện và bền vững với môi trường, cho sản phẩm đặc thù từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa chủng loài sinh vật.

"Mô hình nuôi ong dú không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nguồn nhân lực, có tính khả thi cao. Hơn nữa, việc tận dụng lợi thế từ rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu giúp các hộ nuôi ong tại địa phương có thể liên kết tạo thương hiệu, ổn định đầu ra cho sản phẩm cũng như kết hợp làm du lịch", ông Mảng cho hay.

Ngoài mô hình nuôi ong dú của anh Toản, sau 2 năm gây đàn, hiện nay anh Trần Đức Văn (36 tuổi, trú ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cũng đã thành công khi sở hữu hơn 300 tổ ong dú. Mô hình nuôi ong này đã mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trần Đức Văn cho biết, mong muốn được hỗ trợ để đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong, xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Đồng thời, anh Văn sẽ liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn trái để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà”; cùng các hộ nuôi ong dú thành lập tổ hợp tác nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, nâng cao chất lượng.

Gio Linh