Phát huy những giá trị của văn hóa Nam bộ hôm nay

Những giá trị văn hóa còn mãi giá trị với thời gian và rất cần được vun trồng, chăm bón. Trong ảnh: Cung thỉnh Sắc Ông đi chu du trong lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa) năm 2023. Ảnh: VĨNH HUY

1./ Tâm lý chung của người Việt là dù đi đâu cũng luôn nhớ về tổ tiên và cội nguồn da diết, vì vậy nên luôn ráng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Người Việt đặt chân lên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai tính đến mùa xuân này là tròn 325 năm. 325 năm đó là cái mốc hành chính còn trong thực tế người Việt đã đặt chân đến vùng đất này từ rất sớm.

Trong bộ phim Hà Nội trong mắt ai ra đời đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã đưa vào bộ phim đoạn lời thoại mở đầu: “Giữa thế kỷ XX này, có một người dân ở đồng bằng sông Cửu Long thương nhớ Hà Nội đã viết: “Từ thuở cầm gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc - Huỳnh Văn Nghệ).

Gần đây có ý kiến đề nghị bỏ Tết cổ truyền dân tộc cho giống Nhật Bản và để hội nhập sâu rộng. Đúng là ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện tình trạng “phú quý sinh lễ nghĩa” nên lễ tết có phần trở nên nặng nề với những hình thức rườm rà. Có lẽ vì vậy mà đâu đó ta vẫn thấy các ý kiến về bỏ Tết cổ truyền nhận được không ít đồng tình. Thế nhưng nếu bình tâm suy xét có lẽ với người Việt bỏ Tết cổ truyền là sẽ bỏ những giá trị văn hóa vô cùng quý giá và cho dù sau này có trở nên cường thịnh cũng khó tìm lại.

Theo thời gian, có những nét đẹp văn hóa của người Việt nói chung, người bộ nói riêng đang dần bị mai một.

Thời gian trước, ở Đồng Nai có ý tưởng “dời đô” về Long Thành nhưng rồi vì nhiều lý do mà ý tưởng ấy đã dừng lại. Ở .HCM cũng đã có lúc rộ lên các ý kiến đề nghị “dời đô” về Củ Chi với lý do đất đai còn thoáng rộng. Đừng nói Củ Chi mà ngay trụ sở UBND TP.HCM ở Q.1 hiện chỉ cách Thủ Thiêm một cây cầu mấy trăm thước, song để “dời đô” từ nơi chốn hiện nay sang Thủ Thiêm là cả vấn đề. Người ta có thể dễ dàng dịch chuyển cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện… nhưng trung tâm hành chính không dễ để di dời. Trung tâm hành chính phải được đặt trên nền của một vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa, nó phải được nâng đỡ bằng chính sức mạnh tinh thần của tiền nhân, của lịch sử…

Trong bài thơ Lên lão của Nguyễn Khuyến có câu “Xôi bánh, trâu HEO cũng gọi là”. Hóa ra người Việt xưa ở miền Bắc cũng đã từng gọi con lợn là con heo. Có thể heo là tiếng địa phương, lợn là từ thông dụng. Người dân Nam bộ nếu ai là người Việt đều có gốc từ miền Bắc, miền Trung, tất nhiên miền Trung cũng từ miền Bắc vào. Có lẽ gọi lợn là con heo đã theo chân những lưu dân Việt đi dần về phương Nam để rồi nó trở thành tiếng gọi thông dụng. Vậy nên người miền Bắc gọi con lợn nhưng lại “nói toạc móng heo”, người miền Nam gọi “con heo” mà lại có “bánh da lợn”. Chẳng phải tất cả người Việt đều cùng một gốc sinh ra, vậy nên người Việt mới gọi nhau bằng 2 chữ “đồng bào”.

2./ Gần đây, không hiểu vì lý do gì mà hiện tượng kỳ thị Bắc - Nam có vẻ ngày càng thịnh. Cứ mở mạng lên, nhất là vào một số trang Facebook là tràn ngập những bình luận kỳ thị Bắc - Nam với những lời lẽ cực đoan.

Rất nhiều các bình luận trên mạng viết rằng người Bắc khách sáo. Đúng là người Bắc khách sáo, bởi cuộc sống đã điều chỉnh họ phải như vậy. Triết học duy vật khẳng định tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Văn hóa miền Bắc, nhất là Bắc xưa là văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo. Lễ giáo nho phong với rất nhiều những quy định rườm rà, chặt chẽ. Người Việt xưa ở miền Bắc trong một không gian làng xã khép kín với chằng chịt những mối quan hệ. Trong một không gian khép kín với “cây đa, bến nước, sân đình” như vậy thì dù có giận nhau đến bao nhiêu mỗi ngày cũng đều chạm mặt nhau. Chạm mặt nhau không lẽ không chào nhau một tiếng thì thật khó coi. Nam bộ, đồng ruộng mênh mông, nhà nọ cách nhà kia có khi cả hàng cây số nên nếu “nhìn mặt khó ưa” là khỏi chơi. Có tuyên bố từ mặt nhau cũng ít có cơ hội gặp nhau lắm. Có lẽ vì vậy mà người Nam bộ hiếu khách bởi thiên nhiên ưu đãi, cái gì cũng có: tôm cá đầy sông rạch, gạo thóc đầy bồ, thậm chí có cả lúa trời chỉ việc gặt về, rau trái ê hề và chỉ thiếu mỗi… bạn nhậu. Vì được thiên nhiên ưu đãi nên lòng người rộng rãi, một chục của đồng bào Nam bộ không phải 10 mà là 12, 14, thậm chí 16. Thì đó, một sào Bắc bộ chỉ có 360m2, sào Trung Bộ đã lên 500m2, còn sào Nam Bộ ư… 1.000m2.

3./ Vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên miền Bắc, miền Trung luôn phải đối mặt với nạn đói. Nạn đói thảm khốc cuối năm 1944 đầu năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra đã cướp đi mạng sống của hàng triệu đồng bào Việt Nam khi ấy. Tất cả những đồng bào chết đói thảm khốc năm ấy đều từ Quảng Trị trở ra, miền Nam khi ấy lúa gạo vẫn ê hề, chỉ là máy bay đồng minh (Mỹ) bắn phá và đường tiếp vận bị hỏng nên không thể vận chuyển lương thực ra Bắc.

Thành ngữ Việt Nam có câu “No 3 ngày Tết, đói 3 tháng hè”. Cả năm làm chỉ trông chờ cho 3 ngày Tết được sung túc một chút. Không chỉ 3 tháng hè mà những tháng giáp hạt như tháng 3, tháng 4 âm lịch cũng là khoảng thời gian dài lê thê đối với những gia đình… thiếu đói. Vậy nên, người miền Bắc nếu gặp nhau thường bắt đầu bằng việc hỏi… ăn cơm.

Tính cách người Nam bộ đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch, dứt khoát. Vậy nên thường người Nam bộ họp hành, giao tiếp, nói năng chậm rãi, khúc chiết, ngắn gọn, có gì nói ngay, tức nói thẳng, không có kiểu “vòng vo Tam Quốc”.

Vì đơn giản nên người Nam bộ dễ chấp nhận cái mới, những khác biệt trong suy nghĩ và hành động. Trong tư duy của người Nam bộ ít có chuyện “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Dù miền Bắc, miền Trung cũng có những tư duy đổi mới song nó khó có thể trở thành một xu thế, một trào lưu như ở Nam bộ. Đó là lý do mà nhiều phong trào đổi mới đất nước đã đi ra từ vùng đất phương Nam. Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hiện nay, trừ các tôn giáo ở nước ngoài truyền vào Việt Nam, còn tất cả các tôn giáo nội sinh đều ra đời ở vùng đất Nam bộ.

Ở đời, cứ đất đai chật chội ắt sẽ kéo theo lòng người cũng sẽ chật hẹp theo. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, suốt nhiều thế hệ, người Việt đã gieo những hạt mầm văn hóa tốt đẹp trên vùng đất phương Nam, hãy tiếp tục bền bỉ giữ gìn nó, đánh thức nó, phát huy, tôn vinh và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, văn hóa của vùng đất Nam bộ để góp phần làm giàu cho văn hóa Việt Nam.

Vũ Trung Kiên