Quán ăn ở TP.HCM tặng phần cơm cho mỗi shipper tới chuyển hàng

Thoạt nhìn tiệm trà Sống ở đường Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người ngỡ đây là một trạm lương thực. Vài bao gạo, hàng chục túi rau củ tươi chất đầy hai bên cửa, chỉ chừa lại lối ra vào.

Phía trong, 5 nhân viên đang hối hả chuẩn bị hàng trăm phần cơm trưa. Người xới cơm vào hộp; người thêm gà, chia sốt; người đóng hộp rồi xếp vào các túi lớn.

Hơn một tấn gạo, hàng trăm kg rau củ tươi và hàng trăm suất cơm được cô chủ và nhân viên tiệm tự tay thu mua, chuẩn bị để trao tới người dân sống ở khu vực phong tỏa trên địa bàn quận Bình Thạnh.

"Chỗ gạo, rau xanh, đồ khô này sẽ được trao tay bà con khu phong tỏa trong chiều nay, còn giờ chúng tôi đang chuẩn bị nốt 110 phần cơm để chuyển tới vài điểm bị giăng dây ở quanh quận Bình Thạnh", chị Thùy Anh - chủ tiệm - vừa nói, vừa lẹ tay bỏ rau xào vào hộp cơm và chuyển cho nhân viên bên cạnh đóng gói.

Hơn một tháng qua, bà chủ và các nhân viên luôn tất bật thu mua hàng tấn gạo, rau củ tươi, và nấu cơm, làm đồ khô. Số lương thực này không phục vụ cho mục đích buôn bán, mà chủ yếu để nấu cơm hỗ trợ lực lượng chức năng và người dân TP.HCM chống dịch.

Hàng trăm hộp cơm nghĩa tình

Tranh thủ vài phút nghỉ tay, chị Thùy Anh chia sẻ tất cả các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng, đóng hộp cho đến chuyển cơm đều do chủ tiệm và 5 nhân viên cùng nhau thực hiện.

Các thành viên sẽ sơ chế thực phẩm từ chiều hôm trước, vào bếp từ 5h ngày hôm sau cho kịp đưa cơm tới các điểm phong tỏa, khu vực cách ly trên địa bàn quận lúc 11h30.

Ban đầu, cô chủ dự tính thực hiện 100-150 suất ăn/ngày, duy trì trong khoảng 10-15 hôm. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm và điểm phong tỏa ngày càng tăng, tiệm quyết định tăng lượng phần ăn hàng ngày lên khoảng 200-300 suất nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con.

Thương cảm và thấu hiểu nỗi vất vả của bà con TP.HCM những ngày chống dịch, chị Thùy Anh (chủ quán) kêu gọi nhân viên cùng nhau nấu cơm từ thiện.

Trước đó, khi UBND TP.HCM yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dừng nhận khách tại chỗ, chị Thùy Anh quyết định tạm đóng cửa tiệm vì nghĩ buôn bán mùa dịch khá khó khăn.

Suốt vài tuần tạm nghỉ, chủ tiệm nhiều lần lo lắng về tình hình dịch ở thành phố, trăn trở nghĩ về những cảnh ngộ khó khăn đang chật vật giữa Covid-19.

"Tôi nghe báo đài, xem mạng xã hội thấy lực lượng chống dịch, bà con sống ở khu phong tỏa vất vả quá! Vì thương mọi người, tôi mới nhắn bạn quản lý: 'Hay là tiệm mình nấu cơm hỗ trợ dân Sài Gòn đi?'.

May mắn, bạn ấy đồng tình ngay tắp lự, gọi thêm 3-4 bạn nhân viên tới quán để bắt tay lên kế hoạch. Bạn đầu bếp còn xin ngủ lại đây để vừa trông tiệm, vừa tiện làm việc", chị kể với Zing.

Ban đầu, mọi chi phí thu mua nguyên liệu, dụng cụ đều do chủ tiệm bỏ tiền. Nhưng trong quá trình thực hiện, người thân, bạn bè và một vài khách quen cũng góp thêm lương thực, ủng hộ chút tiền để chung sức vì cộng đồng.

"Bà con bật khóc lúc nhận cơm"

Thấy đồng hồ dần điểm 11h30, nhịp độ làm việc của mọi người trong tiệm tất bật hơn hẳn. Cô chủ lo lắng nhìn điện thoại, cẩn thận kiểm tra lại các điểm phát cơm buổi trưa hôm nay.

"Hồi sáng, tôi có nhờ bạn nhân viên chuyển lương thực hỗ trợ tới các bà con bị phong tỏa tại đường Thanh Đa rồi. Lát sẽ có người khác đưa những phần ăn này tới vài địa điểm, bao gồm một hẻm ở Bùi Đình Túy. Chúng tôi cứ đi lần lượt vài chuyến mỗi ngày như vậy".

Dù số suất ăn lên tới hàng trăm phần, tiệm vẫn chủ động giao cơm tới từng điểm phong tỏa, khu cách ly cho lực lượng trực chốt và người dân. Nếu chở không xuể trong một lượt, nhân viên thậm chí phải chạy qua, chạy lại liên tục.

Những suất cơm trưa, gạo và rau từ tiệm Sống được các nhân viên chuyển tới khu phong tỏa và các xóm nghèo, cần hỗ trợ giữa dịch. Ảnh: NVCC.

Anh Chí Toàn (sinh năm 1996), quản lý tiệm Sống, đảm nhiệm thêm phần chạy ship hơn một tháng nay.

Chia sẻ với Zing, anh nói mình có thể đi phát cơm, phát quà tới vài ba chuyến mỗi ngày.

"Có những khu vực tôi tới nhiều đến mức mấy anh em trực chốt nhớ mặt luôn! Lần nào tới là họ sẽ chào hỏi, cảm ơn rối rít làm tôi vừa ngại, vừa vui", anh cười xòa.

Không chỉ được bà con ở khu vực giăng dây chào đón bằng nụ cười và lời cảm ơn, anh từng thấy có người bật khóc khi nhận hộp cơm từ mình.

"Ngoài khu vực quận Bình Thạnh, tiệm có hỗ trợ cả các xóm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương khác. Đi rồi mới thấy bà con khổ lắm, thiếu thốn lắm! Tôi nhớ lần đi phát cơm từ thiện dưới Bình Tân, có cụ bà bật khóc khi nhận đồ", anh hồi tưởng lại.

Nghe anh kể, chị Thùy Anh chợt buông lời thở dài. Cô chủ trải lòng rằng chính vì nhìn những mảnh đời cơ cực, bơ vơ giữa Sài Gòn mùa dịch trên mạng xã hội mà mình mới kiên định với chương trình này.

"Dịch bệnh không biết bao giờ mới hết, số điểm giăng dây đỏ ngày một nhiều thêm, tôi cũng lo mình không đủ sức, đủ tiền để nấu cơm hỗ trợ nữa. Nhưng tôi thấy bà con cần quá, khổ quá nên gắng hết mình, làm được tới đâu thì làm".

Sài Gòn cùng nhau nấu cơm

Với mong muốn chạy đường dài, chị Thùy Anh và nhân viên trong quán thống nhất sẽ thay đổi hình thức hỗ trợ từ phát cơm sang tặng lương thực cho người dân khu phong tỏa, giúp nhà nhà đều có thể lo được bữa cơm đủ đầy.

Chị Thùy Anh cho biết trong ngày đầu tiên thực hiện biện pháp mới, tiệm đẩy vào các hẻm giăng dây ở quận Bình Thạnh 1,5 tấn gạo, 600 kg rau củ, 600 hũ đồ khô.

"Tôi nhập hàng tấn gạo, rau xanh từ các mối quen rồi tập kết về tiệm. Chúng tôi cũng chuẩn bị thêm những món như thịt xào mắm ruốc, cá cơm sốt me... để bà con dùng dần trong một tuần".

Ngoài ra, tiệm Sống cũng bắt đầu kinh doanh trở lại, hoàn toàn bán mang về nhằm lấy thêm kinh phí duy trì hoạt động từ thiện. Do đó, thu nhập từ việc bán trà, bán cơm đều được dùng vào việc mua lương thực hỗ trợ.

Không chỉ tìm phương án hỗ trợ người dân nơi phong tỏa, chị Thùy Anh còn muốn ủng hộ, giúp đỡ những người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch.

"Một suất cơm bình dân 25.000-30.000 đồng có thể mua được gạo, rau để nấu thêm nhiều suất ăn khác. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới có thể tiếp tục đóng góp cho cộng đồng", Chí Toàn nói.

Không chỉ tặng suất ăn, gạo rau cho bà con ở khu phong tỏa, chị Thùy Anh cũng gửi hộp cơm cho những shipper nhận đơn tại quán khi mở bán trở lại. Cô chủ cho biết dịch bệnh khiến các lao động bình dân như anh em shipper chịu ảnh hưởng nặng và hy vọng điều này sẽ giúp đỡ họ phần nào.

Nói đoạn, anh Toàn - một shipper - chạy vội vào tiệm giữa trưa nắng. Nhận 2 phần ăn từ nhân viên để đem tới cho thực khách ở đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), anh bất ngờ khi có một hộp cơm dư ra.

"Phần này là cho tôi thật hả?", anh Toàn nghi ngờ hỏi lại, rồi ánh mắt sáng rỡ khi thấy cái gật đầu từ nhân viên.

Anh vội nói với Zing trước khi nhấn ga chạy tiếp: "Tôi hay qua tiệm này chạy đơn ship, nhưng hôm nay là lần đầu được tặng cơm đó! Đúng lúc tôi đang đói bụng, mừng ghê. Tự dưng thấy bớt mệt mỏi hẳn luôn".

Trang Minh