Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng - Nhìn từ góc độ tư tưởng Hồ Chí Minh

Câu lạc bộ Lý luận trẻ Đoàn Các cơ quan tỉnh Bắc Giang sinh hoạt chuyên đề: Ý nghĩa, giá trị tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm

Ngay tại Điều 1 Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là “yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng ta lấy dân làm gốc, làm trung tâm, tạo dựng nền móng vững chắc để xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng chăm lo lợi ích của dân. Ngày 17/10/1945, Báo Cứu Quốc số 69, lần đầu tiên công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Bác viết: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải là để cậy thế với dân". Bác căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng, mình đều là công bộc của dân, để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Cho nên việc gì lợi cho dân, các cán bộ, đảng viên phải hết sức làm; việc gì hại đến dân phải hết sức tránh, có vậy mới được nhân dân quý mến, kính trọng.

Lịch sử đất nước, dân tộc Việt Nam đã chứng minh một chân lý: Lòng dân như nước, chỉ có nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính nhân dân dựng lên hình hài Tổ quốc và cũng chính nhân dân góp công, góp của, sẵn sàng cống hiến, hy sinh bản thân để xây dựng, bảo vệ non sông đất nước. Bởi vậy, chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng tinh hoa “dân là gốc” từ hàng nghìn năm lịch sử, đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân bằng tư tưởng: “Dễ nghìn lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đặc biệt coi trọng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết. Điều này giúp Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, cán bộ hưu trí ở phường Trần Phú (TP ắc Giang) bày tỏ: “Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hết tâm sức, trí lực cống hiến cho cách mạng, dân tộc. Bác là tấm gương sáng về đức tính tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nay Quy định số 144-QĐ/TW đặt ra yêu cầu rõ ràng về chuẩn mực đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải biết lấy dân làm gốc, gần gũi, gắn bó với cơ sở, với nhân dân sẽ là kim chỉ nam để mỗi người cần phấn đấu tư dưỡng, rèn luyện bản thân”.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đưa vấn đề “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” làm chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, biết dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; đồng thời phải trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và thực hiện những đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính”. Tháng 6/1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài trên Báo Cứu Quốc. Mở đầu bài viết, Người khẳng định “Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”. Theo Bác, “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nguyên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang cho biết, vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ những năm đầu tìm đường cứu nước đến những năm cuối đời. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, chuẩn mực đạo đức “Cần, kiệm” được Bác đề cập tới đầu tiên trong số 23 tư cách của người cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, trước tác động bởi nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới phải xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp phải khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có cả những cán bộ cấp cao… Với sự thể hiện chặt chẽ, Quy định số 144-QĐ/TW kế thừa và phát triển tư tưởng, đạo đức cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, đúng với tinh thần "4 kiên định" được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Từ đây, mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi, tự sửa”, tự điều chỉnh, không ngừng học tập, rèn luyện nhằm gìn giữ, phát huy thành quả cách mạng của Đảng, đáp ứng mong đợi của người dân và nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu sâu về Quy định số 144-QĐ/TW, chúng ta còn thấy rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác, như tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; tinh thần tiền phong, gương mẫu; khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời…

Đồng chí Ngô Hữu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) chia sẻ, tinh thần đoàn kết có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thực hiện được nhiều việc khó phát sinh từ thực tiễn. Bởi vậy, Quy định số 144-QĐ/TW yêu cầu cán bộ, đảng viên phải biết chăm lo xây dựng mối đoàn kết trong mỗi tổ chức đảng và toàn dân là hết sức cần thiết. Đơn cử như ở Đảng bộ xã Xuân Cẩm, những năm qua, nhờ có sự đoàn kết thống nhất cao từ cán bộ, đảng viên đến người dân nên toàn xã đã có hơn 500 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 26 nghìn m2 đất để mở rộng, làm mới nhiều tuyến đường giao thông. Nhiều gia đình tự nguyện phá bỏ nhà ở, cổng, tường rào mà không đòi hỏi tiền đền bù. Từ đó, góp phần giúp xã Xuân Cẩm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Nghiên cứu, vận dụng Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện tinh thần tiền phong, gương mẫu; phương châm đề ra là “cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam