Sẽ sửa đổi quy định về quản lý kinh doanh vàng

Các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ được xem xét sửa đổi. (Ảnh minh họa - Nguồn: VTV)

Tại buổi họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024” ngày 3/1 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quản lý thị trường vàng là vấn đề “nóng” được người dân và thị trường quan tâm thời gian qua.

Theo Phó Thống đốc, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 24) ra đời đã hơn 11 năm và phát huy được mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai là chống “vàng hóa” nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ... “Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, việc sửa đổi NĐ là cần thiết và đáng nhẽ phải sửa đổi sớm hơn...” - Phó Thống đốc quả quyết.

Đề cập đến câu chuyện lấy vàng là thương hiệu vàng miếng độc quyền, theo Phó Thống đốc, điều này cũng phù hợp với bối cảnh lúc đó. “NĐ 24 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC. Vậy đến nay thương hiệu vàng SJC này có còn hiệu quả, thực hiện sứ mệnh tiếp tục không?” - ông gợi mở và cho biết, nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác...

“Dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm quyền lợi của 100 triệu dân” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Cho rằng so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân thì quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Phó Thống đốc khẳng định Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.

“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng. cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi NĐ 24 sắp tới...” - Phó Thống đốc chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, hướng sửa đổi sẽ vừa bảo đảm quản lý, vừa bảo đảm tính thị trường, cụ thể như thế nào, thời gian tới NHNN sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi.

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) Đào Xuân Tuấn cũng chỉ ra một thực tế là trong hơn 10 năm qua cũng như thời gian gần đây, dù giá vàng tăng giảm thất thường nhưng tỷ giá vẫn giữ ổn định, mọi hoạt động của ngành Ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng và đây là cơ sở chứng minh mục tiêu NĐ 24 cơ bản hoàn thành, đã đến lúc cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp...

Về sửa đổi cơ chế giá vàng, ông Tuấn cho hay, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng. Trước các ý kiến đề nghị xem xét việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, Bộ, ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.

“Biến động giá vàng đầu tiên là chịu ảnh hưởng từ cơ chế. Nếu sửa cơ chế thì đối với vàng miếng, NHNN sẽ xem xét sửa cơ chế quản lý; còn đối với vàng trang sức bình thường thì sẽ để thị trường tự điều tiết. Khi giải quyết các vấn đề này thị trường vàng sẽ diễn biến ổn định...” - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định.

“Cần phân tách các quy định hiện hành về đầu tư, kinh doanh vàng”

Theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc xem xét sửa đổi, bổ sung và không loại trừ việc bãi bỏ NĐ 24 là cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của người dân và giảm thiểu những quy định ngăn cản, cấm đoán không bằng luật, trong đó có quy định cấm các tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng, thậm chí cả việc cho vay để mua vàng miếng, mặc dù đó là giao dịch hoàn toàn hợp pháp.

LS Đức cho rằng cần xem xét phân tách các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, kinh doanh vàng thành 2 phần như sau: Thứ nhất, những hoạt động nào ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ như thanh toán bằng vàng trong nền kinh tế, huy động và cho vay vàng trong hệ thống ngân hàng, thì cần tiếp tục bị cấm và do NHNN quản lý. Tuy nhiên, việc này cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật thay vì trong các nghị định, thông tư như hiện nay;

Thứ hai, những hoạt động nào không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể, không đáng ngại đến chính sách tiền tệ, như: Khai thác, sản xuất vàng; Xuất nhập khẩu vàng; Chế biến, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; Mua, bán vàng (cả vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ); Kinh doanh vàng trên tài khoản; hoạt động phái sinh về vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác…., thì cho phép tự do đầu tư, kinh doanh (có thể vẫn giữ điều kiện kinh doanh đối với một vài hoạt động như khai thác, xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản) và không thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN...

Thanh Lan