Sông Hồng sẽ thành trục trung tâm phát triển

Đặc biệt trong bản quy hoạch Thủ đô à Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.

Theo quy hoạch, định hướng trục sông Hồng là trung tâm phát triển của Thủ đô

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Đó là: Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc...

Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Theo đó, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm...

Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ần Sỹ Thanh cho biết, xác định lập Quy hoạch lần này là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thành phố đã tiến hành khoa học, khẩn trương, nghiêm túc. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt cả 2 Quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; thành lập các Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch. Do Quy hoạch Thủ đô có nội dung lớn, phức tạp, nhiều nội dung tích hợp, đòi hỏi phải có phương pháp triển khai bài bản, khoa học và kỹ lưỡng nên Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch, được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua. Thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. Kết quả đến nay, cơ quan lập Quy hoạch cùng với Liên danh tư vấn đã hoàn thành các nội dung xin ý kiến các bộ, ngành (tháng 11.2023) và đã trình hồ sơ thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo quy định (tháng 12.2023).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, trong đó sông Hồng sẽ thành trục trung tâm phát triển.

Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt. Đồng thời, sau khi Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành phố sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch, thực hiện ngay một số dự án, đề án quan trọng với quan điểm “Quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chiều 23.2, tại phiên thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng ộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đã thông báo kết quả bỏ phiếu, với 31/31 phiếu tán thành, Hội đồng đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Các thành viên Hội đồng cũng biểu quyết đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dung Quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Văn Anh