Tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Hà Nội

Dù có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tương đối tốt, bao gồm phạm vi phủ sóng internet rộng khắp đem lại nhiều cơ hội nhưng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi số.

Các đại biểu tham gia Lễ phát động chương trình ngày 15-7.

Theo báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của UNDP năm 2019, mức độ chấp nhận của người dân đối với các dịch vụ trực tuyến quan trọng trên các cổng thông tin điện tử của các tỉnh chỉ đạt dưới 4%.

Tại thủ đô Hà Nội, điểm PAPI cho tiêu chí thủ tục hành chính công đạt 7,17/10, cung ứng dịch vụ công đạt 6,87/10, trong khi quản trị điện tử chỉ đạt 2,92/10.

Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”, tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ điện tử, kinh tế điện tử và xã hội điện tử. Chương trình này bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng, đưa 80% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025.

Theo Bộ Nội vụ, Việt Nam có 23,3 triệu thanh niên (năm 2018), chiếm gần 25% dân số. Với mục tiêu huy động tiềm năng sáng tạo của thanh niên Việt Nam và sức mạnh của công nghệ, cuộc thi “Thử thách Công dân số 2021 - Youth Digital Citizen Challenge 2021” sẽ khuyến khích thanh niên phát triển bộ giải pháp gồm sản phẩm hoặc dịch vụ có ứng dụng công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Hà Nội.

Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và sự tham gia vào công tác quản trị công của thanh niên, thông qua việc nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác đa phương và áp dụng các sáng kiến của thanh niên trong việc xây dựng một chính phủ điện tử hiệu quả.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng tạo ra đối thoại đa phương giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Các sáng kiến trong cuộc thi nếu đạt chất lượng sẽ được triển khai thí điểm tại Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Ban tổ chức cho biết, “Thử thách Công dân Số 2021” được chia làm bốn giai đoạn chính. Giai đoạn mở đơn đăng ký và vòng sơ khảo sẽ diễn ra trực tuyến từ 15-7 đến 10-8-2021. Các lĩnh vực thuộc đề bài cuộc thi như: Dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tài nguyên và môi trường.

Top 10 đội có ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được tham gia đào tạo trong 2 ngày 18 và 19-8 với những chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ UNDP, Thành đoàn Hà Nội, các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để phát triển ý tưởng của đội mình một cách sâu sắc hơn.

Trải qua chương trình huấn luyện cùng chuyên gia, các đội thi sẽ đến với vòng thi chung kết (hackathon) sôi động diễn ra từ ngày 20 đến 22-8. Ba đội thắng cuộc sẽ nhận được những phần thưởng có tổng giá trị tiền mặt lên tới 70 triệu đồng cùng nhiều phần thưởng giá trị khác đến từ các đối tác và nhà tài trợ.

Ba đội thi xuất sắc nhất do Ban giám khảo lựa chọn từ vòng chung kết cũng sẽ được tham gia chương trình ươm tạo 3 tháng để tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa ý tưởng của đội mình. Kết thúc thời gian ươm tạo, ba đội này sẽ có cơ hội trực tiếp gặp gỡ và pitching với các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.

An Nhiên