Tạo bước phát triển nhanh, bền vững cho lực lượng thông tin liên lạc

Ổn định, vững chắc, thuận lợi cho hiệp đồng tác chiến

Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Theo đó, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng TTLL đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự (TTLLQS) giai đoạn 2011-2020, thông qua đó được đầu tư nhiều trang bị, phương tiện, công nghệ mới, hiện đại do CNQP Việt Nam sản xuất, có sự khác biệt so với các thế hệ trang bị, phương tiện kỹ thuật trước đây. Hiện nay, riêng lĩnh vực thông tin vô tuyến điện và hữu tuyến điện đã được đầu tư nghiên cứu, sản xuất, đưa vào trang bị nhiều loại máy móc, khí tài, tiêu biểu như các loại máy thu phát, máy phát, máy thu, tổng đài, điện thoại hiện đại và hệ thống cáp quang...

Lãnh đạo Binh chủng Thông tin liên lạc kiểm tra khí tài, trang bị tại Lữ đoàn Thông tin 139.

Đại tá Phạm Mạnh Cường, Trưởng phòng Tham mưu-Kế hoạch, Cục Kỹ thuật Binh chủng TTLL, cho biết: “Qua quá trình sử dụng tại đơn vị, có thể khẳng định các loại máy do CNQP Việt Nam sản xuất phục vụ nhiệm vụ bảo đảm TTLLQS, như một số loại máy thông tin vô tuyến điện, có tính năng tương đương với trang bị nhập ngoại từ các nước có nền kỹ thuật công nghệ cao trên thế giới”.

Ngoài ưu thế về tính năng, tác dụng, các trang bị, khí tài TTLL do CNQP Việt Nam sản xuất có giá thành thấp hơn đáng kể so với hàng nhập ngoại; công tác bảo đảm kỹ thuật thuận lợi, bảo đảm duy trì hệ số kỹ thuật cao, không phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, việc tổ chức thiết lập TTLL nhanh hơn do tính năng thông minh của trang bị. Đặc biệt, khi sử dụng các sản phẩm này sẽ giữ được bí mật về trang bị quân sự, đồng thời tạo sự thống nhất về trang bị trong toàn quân, thuận lợi cho công tác hiệp đồng tác chiến.

Thử nghiệm hệ thống thông tin liên lạc do Viettel sản xuất, trang bị trên xe tăng.

Được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, hệ thống TTLLQS đã có bước phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá, nhất là về quy mô, công nghệ, phương thức bảo đảm, độ ổn định, tính vững chắc và chất lượng dịch vụ. Binh chủng TTLL đã phối hợp với các đơn vị quy hoạch, phát triển mạng truyền dẫn, bảo đảm tốt đường truyền cho các nhiệm vụ, cho hệ thống tự động hóa chỉ huy của các ngành, các đơn vị; phục vụ hiệu quả hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng; bảo đảm thông tin thường xuyên, cơ động, SSCĐ, diễn tập và các nhiệm vụ khác. Ngoài ra, hệ thống TTLL cơ động phát triển theo hướng hiện đại, đa dịch vụ, kết cấu gọn nhẹ, mô-đun hóa, cơ động linh hoạt, khả năng sống còn cao. Kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng các trang bị thông tin mới, công nghệ hiện đại với phát huy các trang bị thông tin truyền thống, Binh chủng TTLL có đủ khả năng bảo đảm tốt TTLL trong mọi tình huống; đồng thời tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng lực lượng TTLL quân sự trong giai đoạn mới.

Cần tiếp tục thông minh hóa khí tài, trang bị

Với vinh dự là lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, Binh chủng TTLL đã chủ động, tích cực tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống TTLLQS giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Máy thông tin cầm tay sóng cực ngắn do Viettel sản xuất, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Đề cập đến vai trò của CNQP trong việc tiếp tục hiện đại hóa trang bị của ngành TTLLQS, Trung tá Nguyễn Anh Hào, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao (Binh chủng TTLL), cho biết: “Để binh chủng nói riêng, ngành TTLL toàn quân nói chung tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cần khai thác hiệu quả các trang bị đã sản xuất trong nước, đồng thời tập trung đầu tư hệ thống TTLLQS dựa trên công nghệ IP với mạng truyền dẫn là xương sống, mạng truyền số liệu làm nền tảng, để phát triển các phương thức liên lạc, các dịch vụ thông tin quân sự; đồng bộ giữa thông tin cố định với cơ động, có tính kế thừa theo hướng băng thông rộng, tốc độ cao, quản lý và điều hành tập trung theo phân cấp”.

Cùng với tiếp thu công nghệ, trang bị kỹ thuật mua sắm từ nước ngoài, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực TTLLQS, ngành CNQP Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, nhằm từng bước làm chủ công nghệ sản xuất trang bị TTLL công nghệ cao, như công nghệ định nghĩa mềm, đa cấu hình, đa dịch vụ, tự thích nghi, quản lý tập trung và có tính năng thông minh; đồng thời đẩy mạnh sản xuất nhằm tự bảo đảm 100% trang bị thông tin cấp chiến thuật, chiến dịch.

Thực tiễn đã chứng minh, sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm giữa Binh chủng TTLL với các đơn vị CNQP đã tạo ra những sản phẩm hữu ích, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ của toàn quân. Bởi vậy, hoạt động này cần được chú trọng hơn nữa, nhằm góp phần xây dựng quân đội nói chung, Binh chủng TTLL nói riêng ngày càng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ - KIÊN QUANG