Tạo đà bứt phá cho kinh tế tập thể

Sản phẩm bánh chưng của HTX nông thương Đất Tổ xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Những trợ lực kịp thời

Xác định vai trò, tầm quan trọng của KTTT, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao phát triển KTTT, HTX dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Hàng năm, bên cạnh việc ban hành các kế hoạch chuyên ngành cùng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT, HTX, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đang tích cực được bổ sung, hoàn thiện, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư; các sản phẩm chủ lực như: Chè, bưởi, cây gỗ lớn và nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có ưu thế trên thị trường được khai thác, phát triển.

Phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên của Ban đổi mới và phát triển KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong triển khai kế hoạch phát triển KTTT, HTX; tiếp tục rà soát, đánh giá tác động chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đã, đang triển khai; tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm của tỉnh.

Liên minh HTX tỉnh tập trung phối hợp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của HTX; nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX và bổ sung kiến thức, kỹ năng, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số cho các thành viên HTX để tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động thu hút thành viên, phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thúc đẩy KTTT, HTX phát triển bền vững.

HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên.

Các HTX phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa HTX với HTX gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, tăng vốn điều lệ, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Tăng trưởng cả về lượng và chất

Đến nay, toàn tỉnh có 572 HTX đang hoạt động, thu hút gần 110 nghìn thành viên tham gia; tạo việc làm thường xuyên cho trên 5.300 lao động với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng (cao nhất là khối Quỹ tín dụng nhân dân, bình quân thu nhập đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng). Hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 3,3 tỉ đồng/năm, bằng 102% so kế hoạch năm 2023; lợi nhuận bình quân của một HTX đạt gần 220 triệu đồng/năm, bằng 101,8% so kế hoạch năm 2023, tăng 10,5% so với năm 2022.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, sản phẩm của HTX mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì được nhiều người biết đến, khối lượng sản xuất ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Điểm nổi bật so với những năm trước, nhiều HTX phát triển sản xuất với quy mô, diện tích tập trung, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò của HTX trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tham gia tích cực vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng từ 10-15%. Các HTX đã hình thành liên kết giữa các thành viên trong HTX, liên kết giữa các HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết hài hòa về lợi ích kinh tế, hỗ trợ giúp nhau tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Tiêu biểu như mô hình liên kết chuỗi giữa HTX nông nghiệp Hùng Việt (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) tạo vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu đầu vào sản xuất của HTX mì gạo Hùng Lô, hoàn thiện tiêu chí cho sản phẩm mì gạo Hùng Lô đủ điều kiện lập hồ sơ trình công nhận sản phẩm OCOP năm sao vào năm 2023.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 HTX, hơn 1.550 tổ hợp tác, trong đó 60% số HTX hoạt động hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về KTTT từ cấp tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò “cầu nối” giữa khu vực KTTT, HTX với cấp ủy, chính quyền các cấp. Triển khai có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, quản trị HTX, hạch toán tài chính, kê khai thuế điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm hàng hóa, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại để tham gia vào Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập thực tế của người sản xuất. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa HTX với HTX gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương...

Thanh Nga