Thiết thực hoạt động trải nghiệm tết cổ truyền trong trường học

Học sinh Trường THCS Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) tham gia thi cắm hoa và bày mâm ngũ quả tại hoạt động trải nghiệm “Xuân gắn kết – Tết yêu thương” Xuân Giáp Thìn 2024 của trường

Ngày 20/1, trong không khí ấm áp, rộn ràng của những ngày giáp ết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, học sinh Trường THPT dân tộc Nội trú tỉnh được tham gia chương trình trải nghiệm tết cổ truyền với chủ đề “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ”. Để tái hiện lại nét đẹp của ngày tết, không gian tết của trường được các thầy, cô, học sinh trang trí đẹp mắt, đậm chất tết quê với những câu đối chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý, điểm xuyết theo đó là những cành hoa đào rực rỡ cùng với bánh chưng, mâm ngũ quả.

Chia sẻ về những trải nghiệm lý thú tại trường, em Ma Thị Hà, lớp 11A2 cho biết: Chúng em rất vui và háo hức, từ mấy ngày trước đã cùng nhau lên ý tưởng, tập luyện, phân công nhau các nhiệm vụ để chuẩn bị cho chương trình. Cùng với gói bánh chưng, chúng em còn được tham gia các trò chơi dân gian, thi làm linh vật rồng, cùng đó mỗi lớp đều có một gian để trang trí không gian tết, bày mâm ngũ quả… Những hoạt động này giúp chúng em thêm hiểu về ý nghĩa của tết cổ truyền của dân tộc.

Cùng với Trường Dân tộc nội trú tỉnh, cả thành phố ạng Sơn có 41 trường thì hầu hết đều tổ chức hoạt động trải nghiệm vui xuân, đón tết. Ở phạm vi toàn tỉnh, nhiều trường học tùy theo điều kiện của nhà trường đã và đang tổ chức hoạt động trải nghiệm tết. Có thể kể đến như tại huyện Văn Quan, toàn huyện hiện có 20 trường mầm non và 29 trường tiểu học, THCS, với trên 11.000 học sinh, 100% trường mầm non và các trường bán trú (9 trường) đều tổ chức hoạt động trải nghiệm tết cho học sinh tham gia. Cô Lã Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Khê cho biết: Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ít ngày nữa, trường tổ chức hoạt động “Hội chợ tết quê em” tái hiện gian hàng tết quê và nhiều hoạt động hấp dẫn khác để trẻ trải nghiệm và hiểu hơn về các nét đẹp trong tết xưa và nay.

Toàn tỉnh hiện có 230 trường mầm non và hơn 400 trường phổ thông. Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục về những nét văn hóa truyền thống, tết cổ truyền của dân tộc.

Tương tự tại huyện Tràng Định, toàn huyện có 55 trường từ mầm non đến THCS, với trên 12.000 học sinh, thời điểm này, các trường đã và đang tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm tết cổ truyền cho học sinh tham gia. Ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Từ nhiều năm nay, mỗi dịp cận tết, các trường từ mầm non đến THCS của huyện thường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tết để học sinh tham gia. Trong đó đối với cấp mầm non 100% trường (20 trường) đều tổ chức hoạt động này; các trường tiểu học, THCS tùy theo điều kiện của nhà trường có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động tặng quà tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Qua các hoạt động vừa tạo không khí đón xuân vui tươi, lành mạnh, vừa giáo dục cho các em về nét đẹp văn hóa trong ngày tết cổ truyền.

Toàn tỉnh hiện có 230 trường mầm non và hơn 400 trường phổ thông. Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục về những nét văn hóa truyền thống, tết cổ truyền của dân tộc. Trong đó, các trường đã phân chia các khối lớp tham gia, lựa chọn chủ đề phù hợp với lứa tuổi như: “Ngày Tết quê em”, “Tết dân gian”, “Tết xưa”… dựng các gian hàng, để bày bán các sản phẩm, món ăn ngon ngày tết. Cùng đó là tổ chức các cuộc thi biểu diễn văn nghệ, thi gói bánh chưng, các trò chơi dân gian… giúp các em được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, nâng cao sự tự tin, khả năng sáng tạo.

Nhà giáo ưu tú Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị, trường học quan tâm tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phù hợp để trẻ, học sinh tham gia, trong đó có hoạt động trải nghiệm tết cổ truyền của dân tộc vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Nội dung chương trình đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa các hoạt động nhằm hòa nhập nét đẹp của tết xưa và nay. Thông qua đó nhằm bồi dưỡng cho trẻ, học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc.

Qua đây có thể thấy, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học tại Lạng Sơn triển khai sôi nổi, phong phú. Những hoạt động đó giúp các em học sinh có thêm cơ hội được hiểu biết, học hỏi, khám phá để từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị truyền thống của dân tộc.

THẢO NGUYÊN