Thỏa thuận về Nord Stream-2 là đòn bẩy đẩy Ukraine vào NATO?

Nghị sĩ Ukraine nêu đề xuất để Mỹ-NATO bù cho thiệt hại của Ukraine bởi Nord Stream-2

Ngày 23/7, khi trả lời kênh truyền hình Obojarevetel, Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Irina Vereshchuk cho biết sự thiệt hại của Ukraine sau khi Thỏa thuận Mỹ-Đức được ký kết nên được xem là sự đánh đổi của nước này cho việc sớm có quy chế thành viên NATO.

Đây cần được xem là một sự bù đắp xứng đáng cho Ukraine, củng cố cho quan hệ giữa Ukraine với Mỹ-NATO, giúp Kiev giảm căng với Washington-Brussels vì Kiev nhận diện bị đâm sau lưng trong vụ Mỹ ký thỏa thuận với Đức về Nord Stream-2.

Bà Vereshchuk chắc chắn rằng nếu có một quyết định như vậy, nó sẽ được nhiều sự ủng hộ của giới chính trị gia tại Châu Âu, vì nó giúp cân bằng lợi ích giữa bên ủng hộ và bên phản đối Dự án Nord Stream-2.

Theo nhà lập pháp Ukraine, trong bối cảnh “ Thụy Điển đang xem xét từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO cùng với Ukraine", thì việc biến Thỏa thuận Mỹ-Đức thành đòn bẩy đẩy Ukraine vào NATO nhanh hơn nên được quyết định sớm.

Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Irina Vereshchuk

Nghị sĩ Irina Vereshchuk cho rằng đã đến lúc Washington-Brussels trao quyết định cho Kiev được tham gia Kế hoạch hành động của các thành viên NATO (MAP), vì sẽ không có tín hiệu bất lợi từ Moscow.

Đề xuất của bà Vereshchuk được đưa ra cùng lúc với việc Tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh về việc thúc đẩy Ukraine tăng cường hội nhập cấu trúc an ninh chung Châu Âu-Đại Tây Dương.

Điều đó khiến cho Washington-Brussels càng không thể không lưu ý đến việc biến Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 thành đòn bẩy để đẩy Ukraine vào NATO nhanh hơn, bởi nó có thể khai thác được "yếu tố nhân hòa" của Moscow.

Xin nhắc lại, trong chuyến thăm tới Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa qua, hai nước đã ký thỏa thuận về Dự án Nord Stream-2, sau một thời gian dài bất đồng. Ngày 21/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã xác nhận điều này.

Vì Ukraine là nước luôn phản đối Dự án Nord Stream-2, nên trong thỏa thuận của Mỹ và Đức về dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ này, việc hỗ trợ cho Ukraine chiếm nội dung đáng kể trong các điều kiện thỏa thuận.

Trong thỏa thuận, Mỹ-Đức nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine hết hiệu lực vào năm 2024, kéo dài thêm 10 năm nữa, nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt.

Đức và Mỹ cũng thống nhất thành lập một "Quỹ xanh Ukraine" với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 150 triệu euro từ Đức, nhằm mục đích tạo hiệu ứng đòn bẩy cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nâng quy mô quỹ lên tới 1 tỷ USD.

Quỹ xanh Ukraine cũng liên quan tới các dự án hydro, hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo giúp Ukraine giảm thiểu phụ thuộc vào khí đốt Nga. Riêng Đức cam kết hỗ trợ kỹ thuật để hòa mạng lưới điện Ukraine vào hệ thống lưới điện của châu Âu.

Mặc dù vậy, trong phản ứng đầu tiên sau khi Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 được công bố, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã cảnh báo quyết định về Nord Stream-2 không thể được đưa ra "sau lưng các bên thực sự bị dự án đe dọa".

Nhưng biết là việc đã rồi nên chính quyền Ukraine nhanh chóng khai thác Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 phục vụ cho lợi ích của mình, trong đó đó có quy chế thành viên NATO, khi Kiev còn có thể làm mình làm mẩy với Washington và Berlin.

Nghị sĩ Vereshchuk cho rằng khi Washington-Brussels trao quyết định để Kiev được tham gia Kế hoạch hành động của các thành viên NATO thì đó là chiến thắng vĩ đại của Ukraine, mà Nord Stream-2 của Nga lại góp phần vào chiến thắng vĩ đại ấy.

Kiev không thể biến Nord Stream-2 thành đòn bẩy đẩy Ukraine vào NATO

Không thể biến Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 thành đòn bẩy đẩy Ukraine vào NATO

Dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ Nord Stream-2 đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức gây bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu, mà trong đó căng thẳng nhất là quan hệ Mỹ-Đức, xuất phát từ việc khác biệt trong đánh giá về dự án.

Mỹ và những "anh em cũ của Nga" luôn cho rằng Dự án Nord Stream-2 là công cụ địa chính trị của Moscow nên sẽ gây phương hại cho các đồng minh của Mỹ tại lục địa già và các quốc gia được xây dựng làm vùng đệm chiến lược chống Nga.

Trong khi đó, Nga và Đức luôn bảo vệ quan điểm Dự án Nord Stream-2 chỉ là một dự án kinh tế-thương mại đơn thuần. Chính sự khác biệt trong đánh giá giữa hai bên đã khiến cho Nord Stream-2 gặp bao phen sóng gió.

Để kết thúc bất đồng và tạo đột phá, trong Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 có nội dung ngăn chặn Nga biến năng lượng, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ này, thành vũ khí địa chính trị.

Nghĩa là Moscow không được kinh tế hóa chính trị Nord Stream-2, để từ đó thực hiện chính trị hóa kinh tế với các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và những "anh em cũ nhưng không thể hòa đồng của Nga" được hưởng lợi và bị ảnh hưởng bởi dự án này.

Trong thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2, Đức đã cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".

Nếu Moscow sử dụng năng lượng như một "vũ khí chính trị", Berlin sẽ thực hiện các biện pháp riêng, đồng thời hướng tới các biện pháp ở cấp độ Liên minh châu Âu để trừng phạt Nga trong lĩnh vực năng lượng hoặc các lĩnh vực kinh tế khác.

Có thể thấy, Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 đã thể hiện quyết tâm của Mỹ-phương Tây ngăn chặn Nga thực hiện kinh tế hóa chính trị Nord Stream-2, song nó cũng đồng thời ngăn chặn luôn Mỹ-phương Tây chính trị hóa Nord Stream-2.

Trong khi đó đề xuất của Nghị sĩ Irina Vereshchuk về việc Mỹ-NATO trao quyết định cho Ukarine tham gia Kế hoạch hành động của các thành viên NATO, bù cho thiệt hại của Ukraine vì Thỏa thuận Mỹ-Đức, là đã chính trị hóa Nord Stream-2.

Chỉ cần Dự án Nord Stream-2 bị khai thác cho mục đích chính trị là Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 bị vi phạm. Chắc chắn Washington-Brussles không vì Kiev làm mình làm mẩy mà vi phạm thỏa thuận Washington và Berlin đã ký.

Tổng thống Putin đã thành công trong việc đưa nước Nga thoát ra theo các dòng chảy, trong đó có Nord Stream-2

Rõ ràng, đâu cần Moscow phải lên tiếng phản đối nhưng Kiev vẫn không thể có cơ hội khai thác Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2, để rồi biến nó thành công cụ chống lại chính Nga.

Điều này càng chứng tỏ dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ Nord Stream-2 là mốc son trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, khi nó đảm bảo lợi ích cho nước Nga, đồng thời ngăn "kẻ thù của nước Nga" làm hại nước Nga từ dự án này.

Nói như Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Jabbarov, Kiev nên chứng tỏ là "đối tác mang tính xây dựng" để hy vọng gia hạn thỏa thuận về trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine, hơn là phá Thỏa thuận về Nord Stream-2.

Ngọc Việt