Tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam

Quyền tự vệ chính đáng của nhân dân Việt Nam

Hồi 3h30 ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó huy động 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km. Hướng tấn công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng là Quảng Ninh và Hà Tuyên. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc chính thức bắt đầu.

Lực lượng Công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn

Thực tế thì ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát biên giới với Việt Nam. Đến trung tuần tháng 2-1979, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập với tổng số 32 sư đoàn, 6 trung đoàn xe tăng với hơn 500 xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với khoảng 2.000 khẩu pháo... Bên cạnh đó, hơn 200 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải và hơn 900 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao độ.

Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định quyền tự vệ chính đáng của mình. Đây là thử thách đầy khắc nghiệt với dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối mặt với đội quân đông tới 60 vạn người cùng hàng nghìn xe tăng và pháo hạng nặng, vào ngày 17-2-1979, Việt Nam chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân khoảng 7 vạn người. Sự chênh lệch về lực lượng, về vũ khí trang bị là rất lớn. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta là anh dũng vô song. Sự đánh trả dũng mãnh của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Khoảng 6 vạn quân Trung Quốc đã bị thương vong cùng hàng trăm tù binh bị bắt sống.

Các cựu chiến binh thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang)

Bị thiệt hại nặng nề trên chiến trường, lại bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân vào ngày 6-3-1979. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu biên giới phía Bắc Việt Nam chưa chấm dứt. Phải đến tháng 10-1989, khi Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, quân đội chủ lực của hai bên cũng rút khỏi đường biên giới hai nước, các hoạt động chiến tranh mới thật sự chấm dứt.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thế nhưng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề: Hơn 30 nghìn cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục nghìn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã: Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400 nghìn gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Chăm lo các đối tượng chính sách, xây dựng đường biên giới hòa bình

Kỷ niệm 45 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là dịp để chúng ta tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì sự bình yên của bờ cõi biên cương; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả các thế hệ người dân Việt hôm nay và mai sau phải trân trọng giá trị của hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, đủ sức đối phó với mọi tình huống, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, ghi nhớ những hy sinh, mất mát của các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu bảo vệ nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhiều văn bản quy định chính sách đối với các đối tượng, trong đó có các đối tượng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc đã được ban hành. Đáng chú ý là Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 và Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các văn bản này, hàng chục vạn người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; hàng trăm đối tượng được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng.

Cùng với chủ trương và quyết định lớn nêu trên, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khen thưởng, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được triển khai ở các cấp từ cơ sở địa phương đến Trung ương. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành nơi hội tụ đầy nghĩa tình đồng đội, quân dân, người hy sinh và những người đang sống. Hàng chục Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh được các cơ quan đơn vị, Bộ Quốc phòng phụng dưỡng. Nhiều nhà tình nghĩa được xây dựng, nhiều sổ tiết kiệm được tặng các gia đình khó khăn…

Xét về góc độ lịch sử, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là một vết hằn, một hố ngăn cách quan hệ giữa hai nước. Nhưng chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nước đã nhất trí xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (năm 1999), hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc (năm 2008) và ký kết 3 văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền (năm 2009).

Với nỗ lực và sự hợp tác của hai bên, tình hình biên giới và khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được duy trì ổn định, đường biên và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, an ninh, trật tự được bảo đảm. Các hoạt động giao lưu, đối ngoại của Đảng, chính quyền và nhân dân giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hợp tác kinh tế - thương mại biên giới, cửa khẩu của hai bên không ngừng tăng trưởng với kim ngạch thương mại chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng. Khu vực biên giới của hai nước đã hình thành nhiều đô thị, khu biên mậu sầm uất. Công tác mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới được tích cực thúc đẩy nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.

Nhiều hoạt động ý nghĩa như kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”, giao lưu văn hóa bản địa, giúp nhau phát triển kinh tế... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Qua đó, có thể khẳng định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc không chỉ đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ của mỗi nước mà đã thực sự là không gian hợp tác và phát triển, là cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và nhân dân biên giới.

Trong bối cảnh đó, nhắc lại sự kiện lịch sử cách đây 45 năm trên biên giới - phía Bắc của Tổ quốc trước hết là để rút ra bài học cho chính mình: Cái gì lẽ ra có thể tránh được và cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau. Giữ được hòa khí, hòa hiếu nhưng không được nhu nhược, hèn nhát. Hiểu lịch sử để không ngộ nhận, mơ hồ và bị động để có thể chủ động đối phó những bất trắc trong tương lai. Đó cũng là để gửi gắm thông điệp hòa bình, phấn đấu xây dựng, thúc đẩy và phát triển truyền thống giữa nhân dân 2 nước nói chung và nhân dân vùng biên Việt Nam - Trung Quốc nói riêng.