TP HCM hướng đến tương lai xanh

Chiều 14-9, UBND TP HCM tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo TP HCM cùng các chuyên gia trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn đang triển khai kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại chương trình "CEO 100 Tea connect". Đây là hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0".

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu tại sự kiện “CEO 100 Tea connect”

Không ngừng nỗ lực

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết TP HCM là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ của cả nước và luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp (DN). Dù vậy, thành phố đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nguồn nhân lực… Để ứng phó với những thách thức này, thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.

Thành phố đang nghiên cứu, đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân, DN làm trung tâm chuyển đổi và tập trung vào 4 nội dung gồm nguồn lực xanh với nguồn nhân lực trình độ cao; tài chính xanh và hợp tác quốc tế; hạ tầng xanh với chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch; hành vi tiêu dùng xanh. Các ngành nghề, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch và nông nghiệp, thực phẩm xanh, đặc biệt là thí điểm xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh đầu tiên. "Đây là kết quả nghiên cứu bước đầu, TP HCM rất mong các tổ chức, chuyên gia, CEO và người dân tiếp tục góp ý để hoàn thiện khung chiến lược trong thời gian sớm nhất" - Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói.

Cùng với khung chiến lược nói trên, tại diễn đàn này, lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe các ý kiến chia sẻ, kiến nghị về một số vấn đề như chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải và tín chỉ carbon. Đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM cho phép thành phố được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon. Đây là nội dung mới rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, DN về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm. "Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên và thành phố mong được nghe đề xuất, sáng kiến cụ thể từ các vị đại biểu và mong tiếp tục hợp tác trong hành trình xanh hướng đến tương lai phát triển bền vững" - ông Phan Văn Mãi kỳ vọng.

Đại biểu tham dự sự kiện “CEO 100 Tea connect”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần tiên phong sử dụng sản phẩm xanh

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định trong quá trình phát triển kinh tế, càng tăng trưởng sẽ càng tác động tiêu cực tới môi trường và đây thường là quá trình phát triển nóng không vì sự cân bằng. Do đó, để phát triển bền vững, các địa phương hay quốc gia cần tái đầu tư, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ông Ricardo Valente, Ủy viên Hội đồng Thành phố về kinh tế và tài chính TP Porto - Bồ Đào Nha, nhấn mạnh chính quyền các địa phương là nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội, do đó phải tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho DN sản xuất những sản phẩm này. Nếu nhà nước không tham gia tiến trình tiêu dùng xanh này thì không thể tạo được động lực cho xã hội. "Sự cần thiết phải xây dựng nguồn nhân lực xanh, trong đó giáo dục - đào tạo, giáo dục dạy nghề, kỹ năng mềm đối với học sinh, sinh viên… để tạo ra nguồn lực tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh" - ông Ricardo Valente nói.

Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka - Nhật Bản, cho rằng nhiều quốc gia và địa phương như TP HCM đã nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông bày tỏ hy vọng diễn đàn là cơ hội tốt để các bên ngồi lại với nhau cùng chia sẻ ý tưởng, cách làm hay, truyền cảm hứng cho nhau trong hành trình này.

Đề xuất xây dựng "Tổ hợp môi trường tích hợp"

Ông Han Sang Deog, Phó Tổng Giám đốc điều hành Samsung Engineering (Hàn Quốc), đánh giá thời gian qua, Việt Nam là một quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và cần phải tiếp tục duy trì sự phát triển này trong tương lai. Tuy nhiên, công nghiệp phát triển dẫn đến hệ lụy không tránh khỏi là ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết những thách thức này, Samsung Engineering đề xuất một chiến lược mang tên "Tổ hợp môi trường tích hợp" cho các dự án môi trường tại Việt Nam. Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn tích hợp xử lý nước thải, xử lý chất thải và khí sinh học thành một khu phức hợp và sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Theo ông Han Sang Deog, Samsung Engineering từ lâu đã quan tâm và xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải, đốt rác phát điện nhằm giải quyết vấn đề môi trường tại TP HCM. DN sẽ hợp tác với UBND TP HCM đầu tư vào các dự án môi trường có thể cải thiện môi trường sống của người dân trên địa bàn. "Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và Samsung Engineering là điều cần thiết để phát triển thành công các dự án môi trường. Từ giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, các cơ quan liên quan và Samsung Engineering cần làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất" - ông Han Sang Deog đề xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Hiroshi Matsumura, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & packaging (Nhật Bản), cho biết công ty ông đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 sớm hơn 10 năm, tức là năm 2040. Ngoài thu gom phế liệu làm giấy các-tông, công ty muốn biến rác thải còn lại trở thành năng lượng tuần hoàn phục vụ tiến trình sản xuất. Mỗi ngày công ty của ông Hiroshi sản xuất khoảng 1.000 tấn giấy thì cần thu gom 1.300 tấn giấy phế liệu.

Trong quá trình này, công ty phân loại được khoảng 200 tấn rác thải nhựa hoặc những chất có thể biến thành năng lượng phục vụ sản xuất nhưng còn gặp khó khăn về pháp lý nên chưa được cấp phép thực hiện quá trình đó. Ông Hiroshi cho rằng Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ về khoa học - công nghệ, kỹ thuật.

XUÂN MAI - THÁI PHƯƠNG