Từ tin vui của gạo Việt ở đất Úc nghĩ tới chuyện làm thương hiệu hạt gạo Việt Nam

Trước năm 2020, tại thị trường Úc chỉ có gạo Thái Lan nhãn hiệu Hoa Hồng với bao bì trọng lượng nhỏ phủ sóng tất cả. Bà Nguyễn Thu Hường, Tùy viên Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, người tiêu dùng nước này chỉ biết đến gạo Thái. Thậm chí, năm 2019, khi đi khảo sát, Thương vụ cảm thấy chạnh lòng, khi các chương trình thiện nguyện của người Việt phải bỏ tiền của người Việt mua gạo Thái tặng người Việt, trong khi Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo.

Người Việt phải bỏ tiền mua gạo Thái

Sau đó, thương vụ tận dụng thời cơ gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới đã đồng loạt triển khai quảng bá, dù lúc đó gạo ST25 chưa xuất sang Úc. Nhưng chính sự quảng bá này đã thúc đẩy nhiều nhà nhập khẩu tại Úc quan tâm nhập khẩu gạo ST25. Thương vụ đã triển khai loạt các sự kiện lớn về dùng thử gạo ST25 và các loại gạo khác của Việt Nam, đồng loại tại các bang xa trên toàn nước Úc.

Gạo ST25 hai lần được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.

Thương vụ cũng tự kết nối để đưa gạo Việt vào các vùng sâu, xa của Úc như tận vùng Lãnh thổ Bắc Úc, cách Sydney đến 6 giờ bay. "Có thể nói hiện nay, gạo Việt Nam với đủ loại nhãn hiệu đã được phổ biến tại Úc", đại diện Thương vụ cho biết.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc, khi xảy ra câu chuyện nhãn hiệu ST25 bị đánh cắp, dù có nhiều ý kiến đây là tên giống lúa, đồng thời là tài sản doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ chi phí để bảo vệ. Tuy nhiên, Thương vụ đã chủ động vào cuộc làm việc mạnh mẽ với các Cơ quan Úc, cũng như chủ động với Công ty đã đăng ký ST25 và thông tin rộng tại Úc. Thương vụ nhìn ra, việc này vừa đảm bảo việc bảo vệ thành công ST25, đồng thời là cơ hội làm cho ST25 nổi tiếng.

“Qua thành công của ST25, Thương vụ quảng bá slogan: “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” để các giống gạo, nếp khác của Việt Nam đều được hưởng chung vị thế”, vị đại diện Thương vụ chia sẻ.

"Cha đẻ" của gạo ST25 - loại gạo 2 lần thắng giải thưởng gạo ngon nhất thế giới do Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu trao tặng, kỹ sư Hồ Quang Cua nói về những gian truân, bước đường định vị giá trị hạt gạo Việt trên sân chơi thế giới.

Theo ông Cua, là kỹ sư nông nghiệp, gắn bó với cây lúa từ tấm bé, thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân khi sản xuất ra hạt gạo bán giá rẻ, gạo trộn phẩm cấp thấp. Đây là động lực khiến ông và cộng sự lai tạo, tìm ra giống gạo ngon cho Việt Nam.

Ông Cua tâm sự, Việt Nam có nhiều giống gạo ngon, phẩm chất tốt nhưng trồng ở nhiều nơi và luôn đối diện với nguy cơ thoái hóa giống do thiếu canh tác khoa học. “Chúng tôi bắt tay vào chọn gạo ngon đi thi, xác định phải chọn sản phẩm gạo tinh túy nhất để làm thương hiệu, như ái Lan họ chỉ chọn gạo thơm “Khao Burberry” để làm thương hiệu, nên phải tập trung xây dựng thương hiệu riêng, tìm cách lai tạo giống mới, sau đó xin nhãn hiệu chứng nhận, ban hành quyền sử dụng nhãn và xác định độ thuần di truyền hạt gạo bằng phương pháp DNA để chọn giống thuần chủng”.

Sau nhiều năm mày mò, tìm ra giống, phương thức canh tác và ứng dụng các tiến bộ khoa học, thử nghiệm trên nhiều diện tích đất đai, với lối canh tác khác nhau, ông Cua và cộng sự cho ra đời giống ST24, ST25 nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ông tự hào chia sẻ: “Trước đây, người Thái Lan thường có khẩu hiệu “nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan” nhưng vừa qua, khi tôi đi thi gạo ngon thế giới, đạt giải 2 lần ở Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu, người Thái phải thêm câu khác là: “Nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan và Việt Nam”. Tôi được người Thái Lan quảng cáo thương hiệu ra quốc tế như vậy đó”.

Vẫn lo bị ‘đội lốt’

Khi được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, ông Cua cho rằng ST25 là thương hiệu gạo của quốc gia và ông công khai quy trình sản xuất, canh tác để người nông dân cùng xây dựng thương hiệu, phát triển loại gạo này. Đây là cách làm xưa nay hiếm và có phần khác biệt.

“Tôi tình nguyện đứng ra hợp đồng cung ứng giống, kỹ thuật canh tác sản xuất với bà con, vì đây là thương hiệu của toàn dân. Vấn đề bảo vệ, giữ và nâng cao thương hiệu này là của toàn dân, của nhà nước, chứ một mình tôi không thể”, ông Cua nói.

GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam ần Thơ cho rằng, dù gạo Việt hiện đã được thừa nhận ở phẩm chất, ở giá trị thương hiệu, song để giữ gìn và tôn vinh hạt gạo trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, bản sắc đặc biệt là việc phải làm sớm, coi giữ gìn thương hiệu này như một tài sản quý. Câu chuyện hạt gạo Việt được tôn vinh về phẩm chất hy vọng là bước khởi đầu cho nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài, định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Gs. Xuân nhấn mạnh, muốn giá trị cao, chỉ sự cần cù, chịu thương chịu khó thôi chưa đủ, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là câu chuyện, là khoa học… để bán sản phẩm không chỉ giá trị dinh dưỡng mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu.

Có một điều trăn trở lớn nhất mà tác giả của loại gạo ngon nhất thế giới được 2 lần vinh danh chính là xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo của mình trong nước và trên thế giới bởi hiện nay, việc làm giả gạo ST25 của ông Cua là rất nhiều và lo ngại việc sử dụng đại trà cho các loại gạo giả thương hiệu, phẩm chất kém với loại gạo ngon mà ông dày công nghiên cứu, lai tạo và bảo vệ trên trường quốc tế sẽ khiến Việt Nam đánh mất đi một thương hiệu lớn.

“Một mình tôi bảo vệ thương hiệu này là không xuể, đây là thương hiệu của đất nước nên cần toàn xã hội bảo vệ, câu chuyện này của Nhà nước. Tôi nhớ người Thái từng đứng lên khiếu nại bảo vệ gạo đặc sản của mình khi bị một số người Trung Quốc, người Mỹ chiếm thương hiệu, làm giả thương hiệu. Câu chuyện thương hiệu, giá trị vô hình cho hạt gạo tưởng như nhỏ bé, nhưng trong thời đại hiện nay, nó quyết định rất lớn đến thương hiệu của nền sản xuất, của quốc gia”, ông Cua bày tỏ mong muốn được sự hỗ trợ hơn nữa trong việc bảo vệ thương hiệu gạo ST25 nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Nhật Linh