Tuổi trẻ Long An thi đua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

1. Nhằm tạo điều kiện cho TN KNĐMST, Tỉnh Đoàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ hiệu quả. Các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, hội thảo, tập huấn khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo TN tham gia.

Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, TN có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo thành công. Tiêu biểu như dự án (DA) Miền Tây Xanh của anh Bùi Thành Được (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước); DA Sử dụng công nghệ lên men trái cây để điều trị mụn lưng của anh Nguyễn Duy Lịch (huyện Tân Trụ); mô hình Trái cây sấy giòn không dầu HG của anh Hồ Triết Hưng và chị Dương Thị Trúc Giang; Kinh doanh cá trê vàng theo mô hình hợp tác xã của tác giả Lê Văn Thông (huyện Đức Huệ); Cơ sở sản xuất tượng thạch cao của anh Hồ Quý Trọng (huyện Châu Thành); Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo công nghệ tự động hóa với kỹ thuật cao và kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử của anh Đỗ Quốc Huy, Trần Liên Hiệp (huyện Bến Lức);... Các mô hình, DA khởi nghiệp này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Đại biểu tham quan cơ sở sản xuất tượng thạch cao của anh Hồ Quý Trọng (xã An Lục Long, huyện Châu Thành)

Anh Hồ Quý Trọng (SN 2001, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành) thành công khi khởi nghiệp với nghề sản xuất tượng thạch cao. Hiện tại, anh có một cơ sở sản xuất tượng thạch cao tương đối quy mô, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một số lao động tại địa phương.

Được sự ủng hộ từ người thân, tháng 6/2022, anh Trọng thành lập cơ sở sản xuất tượng thạch cao kết hợp dịch vụ tô tượng tại nhà. Anh được gia đình hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng, thuê thêm 2 nhân công làm việc. Sau hơn 1 năm, cơ sở của anh đã tăng quy mô với vốn kinh doanh khoảng 1 tỉ đồng, 20 nhân công làm việc, mức lương bình quân mỗi người từ 5,5-8 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm tượng thạch cao của anh ngày càng đa dạng, tinh xảo. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn 1.500 tượng thạch cao, thị trường từng bước mở rộng với khách hàng từ các tỉnh Tây Nguyên đến Cà Mau. Những sản phẩm của cơ sở do anh Trọng làm chủ rất đa dạng, bắt mắt. Hiện tại, anh nỗ lực, sáng tạo nhiều mẫu tượng độc đáo để phục vụ khách hàng nhí ngày càng tốt hơn.

Bằng sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, khởi nghiệp, anh Lê Minh Nhí (SN 1999, ngụ xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình trồng măng tre Bát Độ trên chính vùng đất quê hương.

Anh Lê Minh Nhí (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) giới thiệu về vườn măng tre Bát Độ

Cuối năm 2021, anh Nhí trồng 1.200 gốc tre Bát Độ, diện tích 17.000m2. Ngay trong năm đầu tiên, cây tre cho thu hoạch măng. Theo anh Nhí, tre Bát Độ dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít. Cây không kén đất, không sâu, bệnh, phù hợp điều kiện, khí hậu địa phương và cho năng suất cao; trồng một lần nhưng có thể thu hoạch nhiều năm.

Trung bình mỗi gốc tre thu hoạch từ 150-180 mục măng/năm. Mỗi mục măng nặng từ 1,2-1,8kg. Măng được đầu mối thu mua để tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. Trừ chi phí, mỗi tháng, anh Nhí có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng. Đặc biệt, vườn tre còn tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Ngoài nguồn thu nhập từ các sản phẩm măng tre, anh Nhí còn ươm bán cây giống với giá 20.000 đồng/cây. Giống măng tre Bát Độ ngày càng được ưa chuộng, nhiều TN, nông dân tìm đến tận nhà để mua. Hiện mô hình trồng tre lấy măng của anh Nhí được nhân rộng đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Những tấm gương khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu như anh Hồ Quý Trọng, anh Lê Minh Nhí là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ An. Họ đã chứng minh rằng, với ý chí, nghị lực và sự sáng tạo, mỗi TN đều có thể khởi nghiệp thành công và góp phần xây dựng quê hương.

2. Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai tổ chức Cuộc thi KNĐMST tỉnh với sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Qua 4 lần triển khai, cuộc thi có hơn 600 ý tưởng và hơn 150 DA dự thi. Trong đó, có 50 ý tưởng, DA lọt vào vòng chung kết xếp hạng và đoạt giải cao tại các cuộc thi của tỉnh, trong khu vực và Cuộc thi DA Khởi nghiệp TN nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các sản phẩm, dự án khởi nghiệp của thanh niên

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phát động Cuộc thi KNĐMST tỉnh lần thứ V năm 2024. Cuộc thi chia làm 2 bảng: Bảng A dành cho thí sinh, nhóm thí sinh có bài dự thi dưới dạng ý tưởng KNĐMST; bảng B dành cho thí sinh, nhóm thí sinh có bài dự thi dưới dạng sản phẩm thương mại. Cuộc thi diễn ra từ tháng 6 đến 10/2024.

Đặc biệt, cuộc thi năm nay ưu tiên các ý tưởng, mô hình, DA ứng dụng công nghệ cao theo xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (Virtual Reality), điện toán đám mây (Cloud), an ninh mạng (Cybersecurity),…

Được biết, năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thống nhất với các đơn vị phối hợp là những mô hình, DA đoạt giải nhất, nhì và ba trong Cuộc thi KNĐMST lần này sẽ được ưu tiên vào thẳng vòng bán kết, không phải qua vòng sơ khảo Cuộc thi KNĐMST - Kiến tạo tương lai lần 2 năm 2024 do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức. Cuộc thi làm cơ sở tuyển chọn các DA đủ điều kiện để ươm tạo theo kế hoạch tuyển chọn, ươm tạo doanh nghiệp hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ.

Bí thư Tỉnh Đoàn - Trần Hải Phú cho biết, cuộc thi nhằm tạo cơ hội để các bạn trẻ chia sẻ ý tưởng, kết nối với những người có kinh nghiệm, nhận được hỗ trợ tư vấn về kỹ năng kinh doanh và các thuật ngữ liên quan đến khởi nghiệp. Cuộc thi cũng cung cấp cho đoàn viên, TN một nguồn tài chính đầu tư cho các ý tưởng mới; đồng thời, tạo sân chơi, thay đổi nhận thức đoàn viên, TN về khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST, thúc đẩy các bạn trẻ thích ứng với thay đổi của khoa học và công nghệ, đổi mới tư duy làm kinh tế, góp phần phát triển quê hương./.

Trà Long