Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 53 dân tộc thiểu số giảm chưa đồng đều

Đã có nhiều chính sách và chương trình can thiệp để đảm bảo phụ nữ, trẻ em DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Thùy Trang

Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế về Dân tộc thiểu số (DTTS), ngày 9-8.

Nội dung hai báo cáo được công bố gồm số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019, các kết quả phân tích giới và các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng DTTS ở Việt Nam.

Các nguồn số liệu, thông tin trong hai báo cáo nói trên được tính toán từ kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS ở Việt Nam do Tổng cục thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 và năm 2019.

Hai báo cáo tập trung vào 7 chủ đề chính là: Dân số; cơ sở hạ tầng và tài sản; lao động, việc làm, thu nhập; giáo dục và đào tạo; văn hóa và xã hội; y tế và vệ sinh môi trường; cán bộ, công chức là người DTTS.

Kết quả phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015-2019 trong báo cáo cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi như: Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7 điểm phần trăm; tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (Wi-Fi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam; tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng DTTS và miền núi. Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm, tuy nhiên mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc. Báo cáo cũng cho thấy lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%...

Mục tiêu của báo cáo nhằm cung cấp cho các bên liên quan một bức tranh rõ nét hơn về thực trạng bình đẳng giới ở các vùng DTTS ở Việt Nam, vấn đề giới nào đang được Chính phủ giải quyết tốt và vấn đề nào cần tiếp tục nỗ lực can thiệp về cả chính sách và chương trình.

Những phân tích về bình đẳng giới ở vùng DTTS là thông tin nền tảng và hữu ích cho các bên liên quan để thiết kế các chính sách và chương trình can thiệp để đảm bảo phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Tuấn Khang