UNFPA và Bộ LĐ-TB&XH: Cân nhắc hợp tác thêm một số lĩnh vực mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc

Sáng ngày 26/9, tại Trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp ông Matthew David Jackson, tân Trưởng Đại diện Thường trú Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Đáng chú ý, tại buổi tiếp, ông Matthew khẳng định: “Các đề xuất của Bộ trưởng giúp chúng tôi cân nhắc hợp tác thêm một số lĩnh vực mới, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống”.

Bình đẳng giới đạt nhiều tiến bộ vượt bậc

Chúc mừng ông Matthew David Jackson đảm nhận cương vị mới Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, với cương vị là một nhà lãnh đạo, một chuyên gia có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực phát triển bền vững, bình đẳng giới, quyền con người và biến đổi khí hậu, tân trưởng Đại diện Matthew sẽ có một nhiệm kỳ thành công.

Bộ trưởng trân trọng cho rằng, những năm qua sự phối hợp giữa UNFTA và Bộ LĐ-TB&XH rất nhịp nhàng, tập trung chủ yếu các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, bình đẳng giới. Ông bày tỏ niềm tin mạnh mẽ “sẽ nhận được sự đóng góp lớn của UNFPA nói chung và cá nhân ngài nói riêng”.

Bộ trưởng chia sẻ, cách đây 25 năm, trong một chuyến công tác, ông đã có dịp thăm UNFPA. Quãng thời gian đó, ông đi nghiên cứu về bình đẳng giới, khi đó ông được gặp một nữ nhân viên UNFTA, bà là người đưa ra rất nhiều sáng kiến về thúc đẩy phụ nữ phát triển cao hơn, đặc biệt là phụ nữ tham chính. Ông kể: “Sáng kiến gây chú ý với tôi khi đưa nguyên tắc ứng cử Quốc hội hay HĐND, nếu 3 người thì tối thiểu phải có 1 nữ. Và tôi nhớ khi đó Quốc hội của Thụy Điển có tới 48% là nữ”.

Và cũng ở thời điểm đó, có một cơ chế nữa, đó là khi phụ nữ sinh con, người chồng nghỉ để chăm sóc vợ, và nếu đi làm thì không được hưởng lương. “Ngài biết không, ngày đó tôi mơ ước lắm, tôi cũng muốn đưa tư tưởng này vào Việt Nam, và đến giờ này Việt Nam đã thực hiện được điều đó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với rất nhiều tâm huyết và cảm xúc.

Ông Matthew David Jackson: Các đề xuất của Bộ trưởng giúp chúng tôi cân nhắc hợp tác thêm một số lĩnh vực mới.

Bộ trưởng thông tin thêm, Việt Nam cũng đã đưa các vấn đề phụ nữ sinh con được nghỉ 6 tháng, người chồng được nghỉ và được hưởng chế độ. Tới đây Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, khi phụ nữ sinh con, cả chồng cũng được hưởng hỗ trợ 1 phần.

Đến nay, bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc và đã đưa ra rất nhiều sáng kiến thúc đẩy phụ nữ phát triển cao hơn. Đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, Quốc hội đã đặt ra quy tắc về số lượng đại biểu nữ tham gia và trong tất cả các lần bầu cử các cấp đều đặt mục tiêu phấn đấu đạt từ 30 - 40% đại biểu nữ…

Cảm kích về những chia sẻ đó, ông Matthew David Jackson khẳng định, sẽ hỗ trợ Bộ nâng cao năng lực trong các hoạt động bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em. Tân trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, rất ấn tượng khi đi thăm và làm việc trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh (Ngôi nhà Ánh dương) và hy vọng những mô hình hợp tác hiệu quả sẽ được chuẩn hóa và nhân rộng ra ở nhiều địa phương.

“Tôi đặc biệt trân trọng những hỗ trợ của Bộ trong việc triển khai 2 mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới, lựa chọn giới tính; cung cấp hỗ trợ cho đối tượng người cao tuổi Việt Nam”, ông Matthew nói và mong Bộ trưởng tạo điều kiện để thông qua 2 dự án của UNFTA.

Đối với 2 Dự án: “Nâng cao năng lực ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác ở cấp quốc gia và địa phương”; và Dự án“Tăng cường hệ thống an sinh xã hội tích hợp và bao trùm, tiếp cận theo vòng đời và tiến bộ về giới để thích ứng vấn đề già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu cá nhân của các nhóm dễ bị tổn thương nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị UNFPA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm tới.

Hướng đến mục tiêu người 60 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội

Đồng thời, ghi nhận sự giúp đỡ đáng quý của UNFPA đối với việc nghiên cứu mở rộng các chính sách bảo trợ xã hội đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi…

Bộ trưởng cũng đề cập tới các mô hình chăm sóc kỹ thuật đối với người cao tuổi tại 5 tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Vĩnh Long hiện nay đang hoạt động rất tốt. Ông cho rằng những điều này không thể đong đếm được bằng tiền mà điều đó đã được đánh giá chính là sự tiến bộ xã hội.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh là già hóa dân số. Với dân số trẻ, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Đến năm 2025, ước tính 4 người thì có 1 người già, khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn.

Vì thế, việc đầu tư, hỗ trợ cho Việt Nam trong phòng chống, thích ứng già hóa dân số là phải làm ngay bây giờ. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc trẻ thơ toàn diện 1000 ngày đầu đời…

Ông Matthew David Jackson (Matt Jackson), quốc tịch Anh, chính thức nhiệm kỳ Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam từ tháng 8/2023.

“Dự kiến tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh giảm dần độ tuổi ngươì̀ già hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, sau đó tiếp cận dần xuống còn 60 tuổi để đối tượng người già được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, và chuyển toàn bộ bảo trợ xã hội sang một tầng bảo hiểm hưu trí, để tất cả người già và sau này khi về già không có lương hưu thì đều có lương hưu”.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, tiếp cận thực hiện chính sách xã hội và không chỉ đơn thuần là an sinh xã hội, để mọi người đều được thụ hưởng chính sách, thành quả của sự phát triển.

“Do vậy, sự phối hợp giữa UNFPA với Bộ LĐ-TB&XH cũng phải mới mẻ, phù hợp hơn, đương nhiên những vấn đề quan trọng để tạo một xã hội bền vững, thì gốc cuối cùng vẫn là bảo đảm công bằng, tiến bộ, để không ai bỏ lại phía sau. Và cuối cùng, tôi rất muốn ngài tiếp tục hỗ trợ trong vấn đề phòng chống già hóa dân số; cùng đó thích ứng với biến đổi năng lượng, khí hậu, nước biển dâng… làm sao để không tụt hậu, phù hợp với một quốc gia đang phát triển”, ông Đào Ngọc Dung Dung nói.

Bộ trưởng cam kết: Bộ LĐ-TB&XH sẵn sàng hợp tác UNFPA và cá nhân ông Matt Jackson trong việc triển khai các hoạt động tại Việt Nam.

Sẵn lòng hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu

Về phần mình, ông Matthew David Jackson cho biết mình rất ấn tượng với những thông tin được Bộ trưởng chia sẻ. Ông đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH và cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có nhiều trách nhiệm nặng nề trong lĩnh vực công tác; đặc biệt là những nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid 19 vừa qua.

Ông hoàn toàn tán thành về những hợp tác được đề xuất giữa hai bên và khẳng định UNFPA sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam trong những vấn đề nêu trên để hợp tác giữa hai bên đạt được hiệu quả thiết thực nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

“Bộ trưởng có chia sẻ về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tôi cũng có chuyên môn nhiều năm về biến đổi khí hậu, vì thế tôi rất sẵn lòng hợp tác vấn đề này”, tân trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định.

Đáng chú ý, về lĩnh vực bình đẳng giới, ông bày tỏ sự tâm đắc với quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi làm công tác bình đẳng giới cũng cần hỗ trợ cho nam giới chứ không chỉ nữ giới để đảm bảo sự “bình đẳng”.

“Đúng như ngài nói, không chỉ nam giới gây ra bạo lực mà họ cũng cần thay đổi hành vi, và làm thế nào để các nạn nhân bạo lực vượt qua mặc cảm vì bị bạo lực, để họ cất lên tiếng nói về bạo lực mà không cảm thấy e dè, là công việc của chúng ta…”, ông Matthew David Jackson nói và chia sẻ thêm, ông rất vui lòng được đi thăm các cơ sở Bảo trợ xã hội; các trẻ em bị chất độc da cam…

“Tôi đồng ý với các quan điểm của ngài, và rất ấn tượng về tầm nhìn của Bộ trưởng. Hi vọng những trao đổi tâm huyết của ngài sẽ giúp chúng ta hợp tác đạt nhiều thành quả trong tương lai. Quan trọng hơn, các đề xuất của Bộ trưởng giúp chúng tôi cân nhắc hợp tác thêm một số lĩnh vực mới, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống. Và đặc biệt, mong sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn mà Bộ trưởng chia sẻ”, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam chốt lại.

Thanh Nhung