Vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội:
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực

Tôi cho rằng chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô hiện nay so với mặt bằng chung của toàn quốc là khá cao, thuộc top các địa phương có nguồn nhân lực và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, sinh sống.

Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo tôi cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung đầu tư phát triển các trường đào tạo nghề chất lượng cao. Việc có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cũng rất cần thiết để tránh phải đào tạo thêm hoặc đào tạo lại thì mới có thể làm việc. Công tác tuyên truyền, dự báo về thị trường lao động, việc làm; tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT cũng rất quan trọng nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình và xã hội...

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội:
Tập trung đẩy mạnh 2 nhóm giải pháp

Trong những năm qua, thị trường lao động Hà Nội có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực. Về trình độ chuyên môn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 46,6% (cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước là 26%). Chất lượng nguồn nhân lực đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu việc làm và yêu cầu kỹ năng của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới...

Tuy nhiên, thị trường lao động Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Công tác đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tuy có giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn là một vấn đề cần được lưu tâm.

Trước thực trạng trên, theo tôi, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô cần tập trung đẩy mạnh 2 nhóm giải pháp. Đầu tiên là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững trong đó tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và nhóm kỹ năng mềm. Đặc biệt đẩy mạnh việc thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp.

Tiếp đó là nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm; cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng; tiếp tục tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm của thành phố Hà Nội. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác dự báo về thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn, về nguồn nhân lực Thủ đô, báo cáo xu hướng việc làm, nghề nghiệp, các ngành nghề dịch chuyển dưới tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19 và các ngành nghề đang phát triển, sẽ thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động...

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam:
Ðào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, vì thế chất lượng nhân lực làng nghề cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phải nói rằng trong những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực làng nghề đã có những bước tiến khả quan so với nhiều năm trước. Với những làng nghề đòi hỏi nhân lực có tay nghề cao về mỹ thuật, họ đều cho con em đi học tại các Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Văn hóa Hà Nội... Cho nên, nhân lực làng nghề hiện nay được đầu tư kỹ lưỡng hơn về nghề, nhanh nhạy hơn, nắm bắt thị trường, bạn hàng tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một thực tế là tại một số làng nghề truyền thống vẫn xảy ra tình trạng thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trẻ và nhân lực có tay nghề cao.

Để giải quyết hạn chế trên, theo tôi, vai trò của Nhà nước cùng các cơ quan chức năng rất quan trọng. Muốn nâng cao được chất lượng nhân lực làng nghề thì cần khuyến khích các trường đào tạo, viện nghiên cứu đẩy mạnh nghiên cứu, giảng dạy tạo mẫu sản phẩm, thành lập trung tâm thiết kế mẫu cho các làng nghề Việt Nam, thậm chí là mở những cơ sở đào tạo riêng hoặc đào tạo tập trung và truyền nghề tại nơi sản xuất. Tiếp đó, để nâng cao trình độ cho lao động làng nghề, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội. Cần đặc biệt chú trọng phát triển các ngành, nghề thủ công như chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm, làm đồ gốm, đồ đồng, nghề mây tre đan, nghề thêu ren, nghề dệt, lụa, thổ cẩm... Bên cạnh đó, cần tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề. Đây chính là cách thức hiệu quả để nâng cao nhận thức, trình độ cho lao động ở các làng nghề.

Ðoan Trang