Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh toàn cầu nhiều biến động

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đón trọng thể Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Thành tựu đối ngoại ấn tượng

Năm 2023 sắp khép lại với nhiều ưu tư khi có nhiều khoảng sẫm màu trong bức tranh tổng thể toàn cầu. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn và tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống chính trị, ngoại giao, kinh tế toàn cầu. Cuộc xung đột bùng phát từ tháng 10-2023 giữa lực lượng Hồi giáo và Israel khiến bức tranh toàn cầu thêm một điểm tối màu…

Những diễn biến phức tạp, khó lường đó cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống khác như biến đối khí hậu… đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu cũng như các khu vực và mỗi quốc gia. Báo cáo của tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín Ratings đánh giá, tăng trưởng GDP chung của thế giới năm 2023 dự báo đạt khoảng từ 2,5-3%, thấp hơn mức dự báo 3,3-3,5% trước đó của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong bức tranh toàn cầu đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Quan hệ đối ngoại của nước ta được mở rộng, đánh dấu bằng việc nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, trong khi nền kinh tế vẫn duy trì được đà phục hồi tăng trưởng.

Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thực hiện hơn 40 chuyến thăm chính thức, công tác nước ngoài, tham dự nhiều sự kiện khu vực và quốc tế lớn, gặp gỡ song phương với các đối tác quan trọng. Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ nhiều nước và người đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế tới thăm Việt Nam, trong đó có hai chuyến thăm được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là 2 chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc ập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hàng trăm hoạt động giao lưu, sự kiện kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra sôi nổi, liên tục tại Việt Nam và tại các nước đối tác lớn, các bạn bè truyền thống, hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông quốc tế và đến gần hơn với người dân khắp nơi trên thế giới.

Đáng chú ý, năm 2023 cũng là dấu mốc của bước chuyển về chất trong quan hệ giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan hệ 2 nước được nâng lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tháng 11, Việt Nam và Nhật Bản nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, việc nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Năm 2023, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Di sản Thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế… Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sỹ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột...

Vững bước trong thế giới nhiều biến động

Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 biến động liên tục và phức tạp, những thành tựu đối ngoại quan trọng của đất nước đã tạo thêm động lực, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho kinh tế-xã hội. Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 cho thấy tăng trưởng hồi phục nhẹ qua các quý, có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của khu vực và thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục cho những tín hiệu tích cực, xuất khẩu và công nghiệp chế biến chế tạo hồi phục trong những tháng gần đây. Tăng trưởng GDP của Việt Nam 3 quý đầu năm đạt 4,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,0% bình quân toàn cầu theo dự báo trước đó của . Chính phủ đã có những chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5%.

Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,7% trong năm nay, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm tới và 6,0% năm 2025. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Andrea Coppola đánh giá, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể xem là mức kỳ vọng đối với nhiều quốc gia khác. Báo cáo của ân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 và duy trì ở mức 6% trong năm tới - mức khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. Lạm phát được đánh giá là được kiểm soát tương đối tốt ở mức 3,8%, thấp hơn mục tiêu 4%. Đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2023, các chuyên gia WB, ADB đã mô tả bằng những từ ngữ như “kiên cường”, “trụ vững” “sức chống chịu mạnh mẽ” trước những “cú sốc suy thoái” hay “cơn gió ngược” với động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab trước đó vào tháng 9-2023 đã đánh giá, Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, kinh doanh đến làm ăn. Sau 11 tháng, vốn FDI đăng ký đạt 28,85 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước); vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD (tăng 2,8%). Xuất khẩu hàng hóa đã có sự cải thiện trong nửa cuối năm với điểm sáng là xuất siêu hàng hóa đạt mức kỷ lục 25,8 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng… Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, Việt Nam đang chủ động và vững bước trên hành trình khẳng định vai trò, vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế; tham gia tích cực, chủ động vào các công việc quốc tế. Với những mối quan hệ ngày càng được mở rộng, thực chất và hiệu quả, với uy tín và vị thế quốc tế ngày càng được củng cố trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam bước sang năm mới 2024 với tâm thế tự tin, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức để khẳng định là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.