Xông vào điểm nóng

Năm 2018, tại huyện Sanamsay, tỉnh Attapeu - Lào xảy ra vụ vỡ đập thủy điện khiến cả ngàn người mất tích. Nhận định đây là vùng thảm họa thiên tai, lại có rất nhiều người Việt đang sinh sống, Ban Biên tập Báo Người Lao Động liền cử 2 phóng viên lên đường xông vào điểm nóng.

"5 trong 1"

Thời điểm đó, Báo Người Lao Động đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ cả về hình thức lẫn nội dung trên các sản phẩm báo chí. Nhiệm vụ đặt ra với chúng tôi trong chuyến xông pha lần này là ngoài việc có thông tin nhanh nhất còn phải kèm theo nhiều hình ảnh, sản phẩm video để phục vụ báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội của báo.

Lúc này, một nhóm tác chiến được lập ra, tất cả liên lạc qua một ứng dụng trò chuyện trên internet. Nhờ công nghệ GPS, trong suốt hành trình di chuyển từ Việt Nam sang Lào, chúng tôi được biên tập viên và thư ký tòa soạn dõi theo từng bước chân. Mỗi khi thấy chúng tôi không còn di chuyển được, đội ngũ ở nhà lại lo lắng liên lạc để lên phương án bảo đảm an toàn.

Con đường dẫn vào vùng lũ Sanamsay bị nước chia cắt, chúng tôi buộc phải thuê xe máy di chuyển. Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi gửi lại tất cả đồ đạc đi kèm, chỉ mang theo những thiết bị tác nghiệp cần thiết.

Mưa vẫn liên tục xối xả. Càng vào sâu, bánh xe càng lún sâu vào bùn đất. Những hình ảnh đó được chúng tôi quay lại bằng điện thoại và gửi trực tiếp cho nhóm tác chiến. Bởi lẽ, mưa quá lớn nên không thể dừng lại, tháo thẻ nhớ máy ảnh rồi sao chép dữ liệu, mở máy tính để gõ những dòng chữ mô tả cho một bản tin…

Lúc này, chúng tôi quyết định ghi hình dẫn tại hiện trường. Toàn bộ thông tin được thể hiện trong một đoạn video. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi giọng rặc địa phương miền Trung khá lúng túng khi phải làm công việc mới mẻ này. Tuy nhiên, trong tình thế này thì không còn cách nào khác, bắt buộc chúng tôi cùng lúc làm "5 trong 1": Viết bài, chụp ảnh, quay phim, dựng phim và dẫn hiện trường.

Những hình ảnh, video clip ghi lại cảnh hoang tàn sau trận lũ được gửi về tòa soạn. Chỉ trong vòng 10 phút, nhóm tác chiến ở tòa soạn đã xuất bản mẩu tin đầu tiên. Đây cũng là bản tin do phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại Lào được đăng sớm nhất.

Phóng viên Lê Phong trên đường vào rốn lũ Sanamsay, tỉnh Attapeu - Lào.Ảnh: Giang Nam

Hoàn chỉnh bài báo eMagazine trong đêm để kịp gửi về tòa soạn Ảnh: Lê Phong

Nhịp nhàng, nhanh chóng

Trước khi chúng tôi sang Lào, tòa soạn yêu cầu tất cả bản tin phải có những đoạn clip minh họa. Thời điểm chúng tôi tác nghiệp, hệ thống internet tại Lào luôn trục trặc. Việc truyền ảnh về đã gặp rất nhiều khó khăn nên những đoạn video dung lượng hàng trăm megabyte lại càng cam go. Trên đường đi, mỗi khi ngang qua trung tâm thị trấn, chúng tôi lại đôn đáo chạy tìm nơi có sóng điện thoại, tín hiệu internet để gửi về.

Mất hơn một ngày từ Việt Nam sang, chúng tôi mới tiếp cận được rốn lũ Sanamsay. Khi chúng tôi vừa đến nơi cũng là lúc trời bắt đầu sụp tối. Khung cảnh hoảng loạn hiện ra. Điện cúp tối mịt nên để đi lại, chúng tôi phải làm đuốc đốt lên soi đường. Tiếng gào khóc tìm kiếm thân nhân, tiếng tri hô khi phát hiện người còn sống liên tục vang lên trong đêm…

Một phụ nữ Việt Nam tên Thoa sinh sống tại đây nhờ chúng tôi quay đoạn clip ngắn đăng lên báo để gia đình ở quê nhà có thể xem và biết chị đang an toàn. Những hình ảnh ấy được chúng tôi ghi chép vào điện thoại di động rồi truyền trực tiếp về nhóm tác chiến. Khoảng 10 phút sau, bản tin đã được đưa lên báo điện tử Người Lao Động và được chia sẻ chóng mặt. Sáng hôm sau, người nhà đã theo dõi được và có những phản hồi đến chị Thoa.

Đêm đầu tiên ở nơi thảm họa thiên tai, chúng tôi không thể tìm được chỗ nghỉ nên đành xin tá túc tại nhà một người dân địa phương. Hơn 22 giờ, chúng tôi nhận được yêu cầu từ tòa soạn: Thông tin toàn cảnh hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, thực hiện theo dạng bài viết eMagazine. Chúng tôi tiếp tục dán mắt vào màn hình máy tính để kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu đã thu thập. Hai phóng viên chia nhau, người vừa thu âm vừa dựng video, người còn lại sắp xếp bố cục bài viết…

Hôm sau, bài báo eMagazine "Tình người nơi thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào" được đăng tải trên Người Lao Động Online. Xem lại sản phẩm của mình với hình thức trình bày mới mẻ như một bài viết tạp chí trên nền tảng điện tử, chúng tôi cảm thấy vơi đi hết những mệt mỏi, lo toan…

Suốt hành trình tác nghiệp tại Lào trong bối cảnh lũ lụt tàn phá, ngoài áp lực ở hiện trường, chúng tôi còn đối mặt hàng loạt khó khăn khi cùng lúc phải thực hiện nhiều vai trò để có nhiều sản phẩm, loại hình báo chí. Nhiều lúc tưởng chừng khó thể vượt qua nhưng cuối cùng, mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ, nhịp nhàng, nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị, công nghệ hiện đại và của "hậu phương" - tòa soạn.

LÊ PHONG