Xu hướng du lịch 'chữa lành'

Khám phá thiên nhiên

Vài năm gần đây, “chữa lành” hay “healing” trở thành từ khóa được nhiều cư dân mạng tìm kiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dạo một vòng quanh các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram có thể thấy, du lịch “chữa lành” là cụm từ được đông đảo cư dân mạng sử dụng, nhất là giới trẻ. Trái ngược với những địa điểm du lịch sôi động, đông đúc, du lịch “chữa lành” đưa du khách tới những nơi hoang sơ, yên bình, tận hưởng thiên nhiên giúp giải tỏa căng thẳng, tái tạo năng lượng. Đây là loại hình du lịch có mục đích chính là phục hồi sức khỏe, cân bằng cảm xúc. Do đó điểm đến thường là những vùng quê thanh bình, đồi núi yên tĩnh.

Người dân trải nghiệm đi thuyền tại Khu nghỉ dưỡng Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam).

Học sinh, sinh viên, lao động trẻ là đối tượng dễ bị tác động bởi những áp lực từ cuộc sống. Theo anh Trần Quang T (SN 2001), sinh viên Trường Đại học Nông - Lâm ắc Giang, thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, nhiều bạn của anh tìm được việc làm với mức lương ổn định khiến bản thân anh “sốt ruột”. Đôi khi anh có cảm giác nghi ngờ về năng lực của bản thân. Để giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực, anh T thường lựa chọn khám phá những địa danh chưa được khai thác nhiều về du lịch để tận hưởng sự yên bình, gần gũi với thiên nhiên. Ở đó, anh thuê homestay và sinh hoạt như một người bản địa.

Anh chia sẻ: “Là sinh viên, để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, tôi phải có một khoản nhỏ tiền tiết kiệm mỗi tháng. Một số người bạn nói đùa đi du lịch như thế thà ở nhà ngủ còn hơn. Tuy nhiên với tôi, chuyến đi chỉ vài ngày nhưng là cơ hội để mình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa bản địa, giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm mới trong cuộc sống, tiếp thêm năng lượng để hoàn thành những mục tiêu trong tương lai”.

Là nhân viên văn phòng, công việc của chị Nguyễn Thị L (SN 1998) ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) khá bận rộn. Để giải tỏa căng thẳng, chị thường lựa chọn du lịch với điểm đến là những khu nghỉ dưỡng có kết hợp liệu pháp chăm sóc sức khỏe hoặc leo núi cùng bạn bè. Chị L nói: “Áp lực công việc, chuyện tình cảm không như mong muốn khiến bản thân tôi khá mệt mỏi. Do đó, tôi thường chọn những chuyến đi “chữa lành” như một cách để thư giãn, tái tạo năng lượng, tạo cảm hứng mới trong công việc”.

Nắm bắt thị hiếu của du khách, thời gian qua, nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh đã tung ra những gói du lịch “chữa lành” ở trong và ngoài nước. Bên cạnh việc khám phá phong cảnh, trong mỗi tour du lịch thường kết hợp thêm một số chương trình chăm sóc sức khỏe theo hướng nhẹ nhàng, gần gũi thiên nhiên như: Tắm khoáng, tắm bùn, xông, ngâm chân thảo dược dân tộc hay cao cấp hơn là ngồi thiền, mát-xa thả lỏng...

Theo chị Hoàng Thị Linh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Anh Travel, một số địa điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên trong nước được nhiều người yêu thích như: Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Thanh Hóa), Sapa (Lào Cai), Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Legacy ên Tử (Quảng Ninh), suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Còn đối với du lịch nước ngoài sẽ có một số tour du lịch thiền ở đảo Jeju (Hàn Quốc), yoga ở Ấn Độ… Ngay tại tỉnh Bắc Giang, người dân có xu hướng tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Khu nghỉ dưỡng Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam)...

Giải pháp cân bằng cảm xúc

Có thể thấy, du lịch “chữa lành” là một phương pháp hiệu quả giúp nhiều người xoa dịu vết thương tâm lý, thoát khỏi lo âu, trầm cảm, tái tạo năng lượng, cân bằng cuộc sống. Theo ý kiến của các chuyên gia, loại hình du lịch này sẽ có cơ hội phát triển nên cần quan tâm, đầu tư bài bản, định hướng lâu dài.

Nắm bắt được xu hướng phát triển của loại hình du lịch "chữa lành", thời gian qua, một số đơn vị, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Chẳng hạn như năm 2023, tỉnh Lào Cai đã cho ra mắt sản phẩm “Du lịch chữa lành”. Lựa chọn sản phẩm này, du khách được trải nghiệm tour du lịch chữa lành kết hợp luyện tập yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe với nhiều lựa chọn: Yoga trên danh thắng núi Hàm Rồng; yoga kết hợp các phương pháp trị liệu truyền thống dân tộc Dao đỏ Tả Phìn; yoga và danh thắng ruộng bậc thang; yoga kết hợp khám phá văn hóa dân tộc...

Còn đối với Bắc Giang, do là loại hình du lịch mới được khai thác nên thời điểm hiện tại, các sản phẩm du lịch "chữa lành" chưa đa dạng, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là du khách quốc tế. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị quản lý về du lịch, lữ hành cần quan tâm nghiên cứu về thị hiếu khách hàng, có những chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động du lịch giàu tiềm năng này. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, nhất là những nơi có đặc điểm đồi núi khai thác du lịch kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ dược liệu.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của du lịch “chữa lành”. Tuy nhiên trên thực tế lại xảy ra tình trạng người người, nhà nhà đi “chữa lành” tạo nên hiệu ứng đám đông, làm mất ý nghĩa của loại hình du lịch này. Một số bạn trẻ chỉ vì trào lưu sẵn sàng nghỉ học, bỏ việc để nghỉ ngơi khi chưa thực sự cần thiết hay thậm chí vay mượn tiền để đi du lịch. Chính nhu cầu tăng khiến không ít kẻ xấu trục lợi từ việc bán các tour du lịch “chữa lành” không bảo đảm chất lượng. Do đó, mọi người cần cân nhắc, lựa chọn đơn vị uy tín để chuyến đi có những trải nghiệm đáng nhớ.

Bài, ảnh: Thu Thủy