10 ngày người Hà Nội ở yên tại chỗ

- Na đã chín chưa con?

Thông báo tin nhắn của dì làm Hoàng Anh thức giấc. Dụi mắt vài lượt cho tỉnh hẳn, cô gái 26 tuổi trả lời:

- Tối qua na chín thơm phức dì ạ. Có mấy quả mềm, con ăn trước. Số còn lại mong là không chín quá nhanh để còn đem bán.

Trước thời điểm Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, Hoàng Anh kiếm thêm thu nhập bằng việc bán na qua mạng. Những thùng na Chi Lăng được dì gửi từ Lạng Sơn xuống luôn là đặc sản được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, tình hình phức tạp của dịch Covid-19, mọi người được khuyến cáo không ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc, đội ngũ shipper đến nay cũng nghỉ việc. Thùng na đầy ắp cô nhận trước đó giờ đã chín nhưng không thể gửi đi. Mỗi ngày ở nhà, Hoàng Anh lại ngó nghiêng những sọt na, thỉnh thoảng sờ nắn xem quả nào chín sớm thì để riêng hoặc tự mình “xử lý”.

Hơn một tuần nay, Hoàng Anh thức dậy muộn hơn mọi ngày. Cô gái 26 tuổi không còn tất bật đi làm sớm để tránh giờ tắc đường hay mặc cho mình một bộ đồ công sở nữ tính. Đã 10 ngày kể từ khi Hà Nội tăng cấp độ giãn cách, thời gian này Hoàng Anh nghỉ dài hạn ở nhà như bao người khác để phòng dịch.

Là một content writer (người viết nội dung cho website), Hoàng Anh vẫn duy trì công việc của mình trong những ngày nghỉ. Cô cột gọn mái tóc, ngồi vào bàn để kiểm tra email cho hôm nay. Công việc thường chỉ mất buổi sáng để thực hiện, thời gian còn lại cô đi chợ nấu nướng, đọc sách, nghe nhạc... Đôi lúc bí bách, Hoàng Anh ra ngoài sân hít thở không khí, ngồi hóng nắng một chút rồi đi vào. “Mọi người chẳng bảo ở nhà là yêu nước còn gì. Cứ nghĩ vậy thì ở nhà sẽ không chán nữa”, Hoàng Anh vui cười nói.

Sự thay đổi của phố phường Hà Nội trước và sau giãn cách

- Mọi người cầm hết giấy trên tay đi ạ.

- Mọi người di chuyển lên phía trước đi.

- Phía dưới tiến xe lên đi nào.

...

Trung úy Vũ Minh Tiến cùng 9 người khác trong tổ trực chốt luôn tay kiểm tra giấy tờ của các phương tiện, vừa hô lớn để dòng người có thể nghe thấy. Những ngày gần đây, khi giấy thông hành được đồng nhất, lực lượng shipper gồm 14.000 người được hoạt động trở lại, công việc của tổ trực thêm căng thẳng.

Cao điểm là vào buổi sáng khi người dân đi làm. Có khi điểm chốt ùn ứ, tắc nghẽn. Phải đến 8h30, lúc phần lớn người đi làm đã tới cơ quan, những con đường mới thông thoáng trở lại.

Những người cán bộ trực chốt cũng cảm thấy "dễ thở" hơn khi phần lớn người dân đã nắm rõ các quy định để mang theo giấy tờ cần thiết. Không còn quá nhiều trường hợp phải xử phạt.

Sau khung giờ cao điểm buổi sáng, đường phố Hà Nội những ngày này thường thưa thớt người qua lại. Những điểm nóng giao thông nay thông thoáng lạ thường.

Những cái tên đường như Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Cầu Giấy, Tây Sơn... không còn mang theo nỗi ám ảnh ùn tắc vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm. Những con phố kinh doanh sầm uất bậc nhất như Chùa Bộc, Hàng Đào, Đồng Xuân… nay cũng im lìm trong cảnh cửa đóng then cài.

Những góc quen thuộc của thủ đô có dịp trở về vẻ yên bình vốn có. Hà Nội bỗng chốc lặng thinh. Từ sáng sớm đến đêm muộn, người ta dễ dàng cảm nhận được hơi thở của thành phố dường như chậm lại những ngày tháng 7 oi ả.

Trong những khu dân cư xưa nay vốn ồn ào, náo nhiệt, giờ người ta nghe được cả tiếng nhạc, tiếng đàn vọng ra từ vài ngôi nhà cũ. Những góc nhỏ Hà Nội chiều chiều xao xuyến tình khúc:

...

Tôi yêu tiếng nước tôi

Từ khi mới ra đời người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi, tiếng ru muôn đời

...

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi

Ngày xuân tôi hát nên bài, bài tình ca

Ruộng xanh tươi tốt quê nhà

Lòng tôi đã nở như là, là đóa hoa

...

Trước đây người ta quen với cảnh thành phố nhộn nhịp về đêm. Những ngày nắng nóng, ven những con đường chạy quanh Hồ Tây, Hồ Gươm, cầu Long Biên... khi nào cũng đặc người đi hóng mát. Thế nhưng những ngày này, 20h, phố phường đã chìm trong tĩnh mịch. Buổi tối, phần lớn người dân Hà Nội ở trong nhà vì e ngại dịch Covid-19 đang lây lan phức tạp.

Nhiều người dân lần đầu dùng phiếu đi chợ

- Thịt lợn: nửa cân

- Gà: 2 đùi

- Rau cải: 1 bó

- Cà rốt: 3 củ

- Hành khô, tỏi, ớt: mỗi loại 10.000 đồng

...

Châu nhanh tay viết rồi đọc lại để kiểm tra danh sách thực phẩm cần mua cho 3-4 ngày tới. Phường Liễu Giai (Ba Đình) triển khai dùng phiếu đi chợ cho người dân, gia đình Châu nhận được hai phiếu: Một phiếu đi chợ ngày chẵn, một cho ngày lẻ.

Vậy là mỗi lần đi chợ, cô đều cẩn thận viết ra những thứ cần mua để khỏi bị thiếu. Từ nhà ra đến chợ chưa đầy 1 km nhưng có tới hai chốt kiểm soát: Một chốt đầu ngõ để quản lý người dân trong khu vực, một chốt cổng chợ để quản lý người tới mua hàng.

Châu thoăn thoắt đạp xe trên con đường đầy nắng để tới khu chợ gần nhất. "Tôi tranh thủ đi chợ lúc 10-11h buổi sáng. Khi ấy chợ thường vắng, sẽ giãn cách an toàn hơn", cô cười nói.

Đêm 23/7, UBND TP Hà Nội họp gấp, Chỉ thị 16 được áp dụng, có hiệu lực từ 6h hôm sau. Buổi sáng đầu tiên, nhiều người bất ngờ, trong đó phần lớn chưa chuẩn bị kịp tâm lý. Người đi làm, đi chợ còn đông, một số điểm giao thông chưa thể kiểm soát chặt chẽ.

Sau đó 1-2 ngày, nhịp sống Hà Nội bắt đầu được "vào guồng". Thành phố triển khai đi chợ bằng tem phiếu để giãn lượng người tới mua hàng.

Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo người dân không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối để tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Đồng thời, tại những khu chợ dân sinh, các UBND phường khuyến khích tiểu thương lắp đặt vách ngăn để đảm bảo an toàn.

Cố gắng ở yên trong nhà

18h, tiếng chương trình tivi vọng ra từ phòng khách của một căn tập thể cũ. Nhật Nam nhanh nhảu chạy đi lấy bình để tưới cây cho ông bà. Trong khi đó, cô em gái Ánh Dương say sưa tham gia buổi học tiếng Anh qua điện thoại. Trước giãn cách, chiều nào hai anh em cũng cùng nhau đạp xe, tập thể dục. Sống trong khu tập thể, những đứa trẻ đã quen với việc chạy nhảy, nô đùa với khoảng sân rộng.

Đến nay phải chịu ở yên một chỗ, chúng có phần buồn chán hơn. “Ở nhà không có gì làm cả, cháu với em Dương chỉ có đi từ phòng ngủ ra phòng khách. Cũng không được ăn pizza hay gà rán nữa. Ngày nào cũng ăn cơm đều đều ấy ạ”, Nhật Nam nói. Nhưng có lẽ đã đủ lớn và hiểu chuyện, cậu bé chỉ “than thở” đôi chút rồi vui vẻ trở lại, không đòi hỏi gì thêm.

Cô em gái Ánh Dương trông chín chắn hơn, cô nhoẻn miệng cười, nói với anh trai: "Còn bao nhiêu cô chú công an, bác sĩ đi làm xa nhà kìa. Bọn mình nhịn chơi một chút thì xá gì".

Căng mình giữ yên bình cho thủ đô

7h ngày 26/7, 15 xe chuyên dụng và 180 cán bộ, chiến sĩ tập trung tại khu vực Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám làm lễ xuất quân. Các tuyến phố cổ, khu vực xung quanh hồ Gươm, Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân... được lực lượng quân đội tiến hành phun khử khuẩn phòng dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Hà Nội huy động lực lượng quân đội phun khử khuẩn quy mô lớn ở trung tâm thủ đô khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường.

- Đầu tiên bác kể lại giúp cháu những ngày qua mình đã gặp và tiếp xúc thế nào với các thành viên nhà bên cạnh nhé.

Lắng nghe người đàn ông thuật lại, Đỗ Công Hưởng nhanh tay ghi vào cuốn sổ của mình. Làm công tác điều tra dịch tễ, anh Hưởng tham gia đội phản ứng nhanh do Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai (Hà Nội) thành lập. Đội phản ứng gồm nhiều tổ thay phiên nhau làm việc với ca trực 24 giờ. Mỗi tổ có 5 người, gồm các lĩnh vực khác nhau như y tế, môi trường, truy vết... sẽ cùng lên đường khi nhận được thông báo có ca F0 cần xử lý.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, bất kể ngày đêm, không phân biệt giờ giấc, lúc nào cả đội cũng trong tâm thế sẵn sàng "tác chiến". Sau khi hoàn thành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, cả đội lại nhanh chóng di chuyển, đem số mẫu lấy được gửi về CDC Hà Nội để chạy kết quả trong đêm. Có những ngày công việc hoàn tất, nhìn đồng hồ đã 3h hôm sau.

"Chúng tôi không dám nhận mình vất vả. Bởi còn nhiều lắm những hy sinh thầm lặng ngoài kia. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi chỉ mong sao dịch bệnh mau chóng qua đi, những gia đình sớm ngày đoàn tụ", anh Hưởng nói.

Thạch Thảo - Việt Linh