Các hãng máy tính Đài Loan mở rộng sản xuất tại Ấn Độ

Dây chuyền sản xuất laptop tại Ấn Độ. Trong giai đoạn đầu của chương trình ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất (PLI), Ấn Độ đã dành 5,5 tỉ đô la tài trợ cho các hãng smartphone và nhà cung ứng linh kiện smartphone. Trong PLI 2.0, Ấn Độ sẽ ưu tiên cho sản phẩm như laptop hay máy tính bảng. Ảnh: Swarajya

Cả hai hãng máy tính hàng đầu thế giới là và Asustek đều khẳng định rằng họ xem việc sản xuất tại Ấn Độ là triển vọng dài hạn.

Theo Statista, các hãng Mỹ như HP và chiếm thị phần áp đảo trên thị trường PC Ấn Độ, với tỷ lệ lần lượt là 33,2% và 23,1% trong năm ngoái. Thương hiệu Lenovo của Trung Quốc đứng thứ ba với 14,7%. Acer đứng kế tiếp với 8,8% và Asustek chiếm 5,5%.

Chạy đua giành thị phần laptop tại Ấn Độ

Các hãng máy tính Đài Loan có mặt khá sớm tại Ấn Độ, như Acer từ năm 2000, Asustek năm 2011. Hay hãng nhỏ hơn là Wistron vào Ấn Độ năm 2008.

Phần lớn các ngân hàng, trụ sở chính quyền và các công ty, tập đoàn lớn đều sử dụng máy tính bàn – Chủ tịch Jason Chen của Acer nói với Taipei Times. Thị trường PC của Ấn Độ trị giá khoảng 6 tỉ đô la trong năm ngoái, với khoảng 12-13 triệu máy xuất xưởng, giảm gần 15% so với năm trước.

Jason Chen nói với Asia rằng Ấn Độ đã trở thành thị trường lớn thứ hai toàn cầu của Acer về số lượng thành phẩm và doanh thu, xếp sau Mỹ. Acer có kế hoạch đẩy nhanh doanh số laptop trong năm nay. Hãng máy tính Đài Loan đang đàm phán với nhà thầu chính ở Ấn Độ và Dài Loan để tăng cường sản xuất máy tính tại Ấn Độ vì đây là chiến lược của Ấn Độ trong tương lai.

Bên lề một sự kiện ở Đài Bắc gần đây, Chen nói rằng: “Sự hợp tác của chúng tôi với nhà cung ứng Ấn Độ bắt đầu từ năm 2023 và đến giờ hoạt động rất tốt. Hiện phía Ấn Độ muốn có nhiều mẫu mã hơn và số lượng lớn hơn. Thị trường Ấn Độ phát triển nhanh và chúng tôi không thể bỏ qua tiềm năng thị trường này”.

Tại sự kiện trên, đồng CEO Samson Hu của Asustek Computer cho biết hãng đang làm việc “tích cực” với nhà thầu chính để đáp ứng lời kêu gọi của Ấn Độ trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại đất nước Nam Á này.

Hiện tại, theo lời Hu, nhà thầu của Asustek chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng tại Ấn Độ. Trong giai đoạn phát triển chiến lược kế tiếp, Asutek mong muốn sử dụng nhiều linh kiện được sản xuất ở Ấn Độ hơn.

Hu cho biết Asustek đã xây dựng thương hiệu laptop riêng ở Ấn Độ trong hai năm qua. Từ năm 2024, Ấn Độ sẽ là một trong những thị trường ưu tiên của hãng trong mảng kinh doanh laptop thương mại.

Hãng sản xuất laptop theo hợp đồng Wistron cho biết đã mua một lô đất ở tiểu bang Karnataka, Ấn Độ để xây dựng một trung tâm dịch vụ bảo trì và hậu mãi cho hoạt động kinh doanh máy tính xách tay của Wistron. Gần đây, Wistron đã bán nhà máy lắp ráp iPhone tại nước này cho tập đoàn đa ngành Tata của Ấn Độ.

Chủ tịch Simon Lin của Wistron phát biểu tại buổi tiệc tất niên: “Chúng tôi đã thuê cơ sở dịch vụ tại Ấn Độ khá lâu. Nhưng hoạt động kinh doanh hiện rất lớn và đang phát triển. Đó là lý do tại sao chúng tôi mua đất để tự xây dựng cơ sở này. Chúng tôi không loại trừ khả năng biến cơ sở này thành dây chuyền sản xuất PC”.

Ưu tiên cho sản phẩm công nghệ được chế tạo tại Ấn Độ

Kế hoạch của ba hãng máy tính Đài Loan tại Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh có những thay đổi chính sách mạnh mẽ ở nước này.

Tháng 8-2023, chính phủ ban hành quy định có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, nhà sản xuất cần phải có giấy phép nhập khẩu một số sản phẩm công nghệ, bao gồm laptop, máy tính bảng, máy tính đa năng và máy chủ. Động thái này được nhiều người xem là một nỗ lực nhằm hỗ trợ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Tuy vậy, quy định đột ngột này đã gây ra làn sóng chấn động trong ngành công nghệ, khiến chính phủ phải đưa ra một thỏa hiệp. Thay vì yêu cầu giấy phép nhập khẩu, chính phủ bắt đầu yêu cầu các công ty sử dụng hệ thống quản lý nhập khẩu mới từ tháng 11. Nhưng nhà thầu vẫn có thể cần xin giấy phép trong tương lai, nếu chính phủ đổi ý.

Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ của Ấn Độ diễn ra khi vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc đang suy giảm và đối đầu Mỹ – Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Các nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Thái Lan, đã được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng như smartphone, đồng hồ thông minh, loa thông minh và máy chủ. Bên cạnh đó, Malaysia cũng nổi lên như là trung tâm đóng gói và thử nghiệm chip mới.

Ấn Độ đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất và công nghệ địa phương. Năm 2021, chính phủ đã giới thiệu chương trình Ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất (PLI) với nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và nhân lực nhằm thu hút các hãng smartphone như Apple và Samsung xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ. Apple gần đây đã thúc giục các nhà cung ứng toàn cầu của “nhà táo” tăng cường sản xuất linh kiện tại Ấn Độ.

Tháng 5-2023, Ấn Độ đã giới thiệu phiên bản PLI 2.0, mở rộng ưu đãi sang các ngành công nghệ khác, chẳng hạn như máy tính xách tay và máy tính bảng. Đến nay, có 27/40 các hãng máy tính nộp đơn đang thụ hưởng nhiều ưu đãi của PLI 2.0, như HP, Dell, Lenovo, Acer và Asustek…

Nhà phân tích cấp cao Prachir Singh của hãng nghiên cứu Counterpoint Research nói rằng thuế nhập khẩu của các sản phẩm công nghệ từng gần như bằng zero, ngoại trừ các dự án chính phủ đòi hỏi nhà cung ứng sản xuất tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay các mức thuế đang gia tăng, không chỉ với smartphone mà là hầu hết các sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu bởi chính phủ Ấn Độ mong muốn hàm lượng công nghệ và chất xám Ấn Độ cao hơn.

“Có sự khác biệt giữa phiên bản PLI 2.0 và các chính sách chúng tôi có thể tìm được trên mạng vốn ban hành năm 2020 và 2021. Chính sách mới có thêm các ưu đãi, nhưng cũng yêu cầu nhà thầu phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, ít nhất một thành phần linh kiện mỗi năm. Nếu không, ưu đãi sẽ bị rút lại. Chính sách này không chỉ tập trung vào nội địa hóa sản xuất mà còn tập trung vào các linh kiện. Tôi tin rằng nó sẽ có tác động tích cực… như chúng ta đã thấy tác động của phiên PLI đầu với smartphone”, Singh giải thích.

Counterpoint dự báo sản lượng PC tại thị trường Ấn Độ sẽ tăng 9,3% trong năm nay, vượt xa mức tăng dự kiến 5% của toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, Taipei Times, Statista, Economic Times, Business Standard

Ricky Hồ