Các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh: Chú trọng kiểm định chất lượng giáo dục

Đoàn khảo sát đánh giá chương trình đào tạo tại Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh tháng 4-2021.

Nhiều lợi ích khi đạt chuẩn quốc tế

Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn kiểm định cấp trường và cấp chương trình theo chuẩn quốc tế, như chuẩn AUN-QA (Tiêu chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), FIBAA (Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế châu Âu), ABEC (Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng Hoa Kỳ), HCERES (Tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp…). Trong đó phải kể đến Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ theo bộ tiêu chuẩn FIBAA bao gồm: Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh; Quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính - ngân hàng...

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã được sự công nhận của tổ chức AUN-QA với 2 chương trình đào tạo ngành thú y và công nghệ thực phẩm từ năm 2018. Đến năm 2020, trường đạt chuẩn thêm 4 chương trình, gồm: Công nghệ sinh học; Cơ khí chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm; Kinh tế nông nghiệp và Nông học. Việc có các chương trình giáo dục đạt chuẩn sẽ giúp nhà trường thu hút được nhiều sinh viên vào học và tăng cường khả năng liên kết quốc tế.

Cũng ở góc độ nhà trường, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục đại học thông qua kiểm định theo chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích. Nếu chương trình đạt chuẩn quốc tế, người học sẽ có thêm nhiều thuận lợi, như bằng cấp được các quốc gia khác công nhận, thuận lợi khi học cao hơn ở các trường quốc tế. Còn về phía nhà trường, sẽ tạo thuận lợi trong hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu…

Những quy chuẩn nói trên do 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Vinh và 2 tổ chức kiểm định tư nhân vừa được thành lập là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn.

Hoàn thiện quy trình đánh giá

Để tăng thêm hiệu quả trong lĩnh vực này, tháng 6-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, gồm: Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế, AQAS và ASIIN (là các tổ chức kiểm định uy tín được Hội đồng Kiểm định Đức công nhận).

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, người đại diện pháp luật cho đơn vị thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn đánh giá, việc ngày càng có thêm nhiều tổ chức tham gia kiểm định sẽ tăng tính cạnh tranh và khách quan trong lĩnh vực này, từ đó thúc đẩy các đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục đại học không ngừng nâng cao chuyên môn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm định, GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng phù hợp với yêu cầu của quản trị, quản lý và tổ chức đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong đó, việc không ngừng củng cố nguồn nhân lực sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của cả tổ chức giám định chất lượng giáo dục đại học và thu hút các cơ sở giáo dục đại học tham gia chương trình.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, khi tự chủ đại học được mở rộng, các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, coi công tác đánh giá, kiểm định là hoạt động thường xuyên nhằm liên tục cải tiến, mang lại niềm tin và lợi ích cho người học. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên “có tâm” và “có tầm” để tăng chất lượng kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học; phát huy sự giám sát của xã hội đối với công tác này.

Thanh Tàu