Cần quan tâm phát triển du lịch khám phá và mạng lưới công viên địa chất

Rõ chính sách ưu đãi thuế với việc hồi hương cổ vật, di vật

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa. Đơn cử tại Điều 39 khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, ể thao và Du lịch nơi thường trú. ĐBQH Thích Đức Thiện (Điện Biên) khẳng định, quy định này hết sức cần thiết nhằm quản lý, nhận diện qua mã số, hình thành bộ dữ liệu di sản, quản lý việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích chùa chiền hiện nay, cũng như ngăn chặn nạn "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài.

ĐBQH Thích Đức Thiện (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, đại biểu Thích Đức Thiện cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có chiến lược hồi hương, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần quy định việc miễn các loại thuế, phí liên quan đến các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời.

Khoản 5, Điều 49 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua đưa về Việt Nam và với di vật, cổ vật được tổ chức cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày, không vì mục đích lợi nhuận, hoặc hiến tặng cho Nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại các thuế khác”.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đề cập quy định trên, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) cũng chỉ rõ, hiện nay, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành. Cho rằng, "quy định của dự thảo Luật chưa rõ ưu đãi thuế đối với việc dùng ngân sách nhà nước để mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu trữ, trưng bày, không vì mục đích lợi nhuận, hoặc hiến tặng do Nhà nước", đại biểu đề nghị, cần làm rõ nội hàm chính sách của quy định nêu trên để có quy định cụ thể về ưu đãi, bảo đảm tính khả thi. Trường hợp ưu đãi khác luật thuế phải sửa đổi các luật liên quan cho đồng bộ.

Bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị công viên địa chất

Dành sự quan tâm về di sản địa chất trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đây cũng là nội dung có liên quan đến dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, trong giải trình ngày 25.6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm: “Luật Di sản văn hóa không sử dụng khái niệm di sản địa chất đối với di sản địa chất không thuộc loại hình danh lam thắng cảnh và hiện đang được quy định tại áp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về địa chất, khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước” là chưa thấu đáo.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), di sản địa chất là những phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục thẩm mỹ và kinh tế, bao gồm các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các hang động, hẻm, vực sông, hồ tự nhiên, thác nước… Chiếu theo tiêu chí quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì công viên địa chất được xem là di sản thiên nhiên. Tại Điều 3 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đề cập tới khái niệm cảnh quan văn hóa là cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và không gian cảnh quan vật chất tự nhiên chứa đựng các giá trị lịch sử văn hóa, khoa học thẩm mỹ của di tích. "Như vậy, di sản địa chất được coi là di sản thiên nhiên có chứa đựng các giá trị của cảnh quan văn hóa và phải được coi là di sản văn hóa".

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý, nước ta có tài nguyên di sản địa chất vô cùng phong phú. Có 3 di sản được ế giới công nhận là: Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất Non nước, Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông. Đáng lưu ý, quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, cũng là một trong số 38 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Cùng với đó là 2 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới gồm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long. "Các di sản này đều có giá trị về địa chất", đại biểu nói.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định về quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất gắn với phát triển du lịch bền vững. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Bảy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nêu quan điểm “chúng ta phải phát huy các giá trị của công viên địa chất thông qua việc xem xét các hình thức để phát triển du lịch, khám phá và nghiên cứu. Đồng thời phải coi đây là một sản phẩm du lịch đặc biệt”. Quyết định 1590/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” cũng đã đề cập đến quy hoạch mạng lưới công viên địa chất Việt Nam đến năm 2030.

"Tuy nhiên, đến nay cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý cho công viên địa chất vấn còn thiếu". Nêu thực tế này, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị, cần quan tâm phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, thúc đẩy phát triển mạng lưới công viên địa chất Việt Nam nhằm tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Lâm Hiển

Giải trình các vấn đề đại biểu ốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là luật chuyên ngành và rất khó, có liên quan đến 23 luật khác, nên cơ quan soạn thảo rất cố gắng, tiếp tục rà soát để không chồng lấn, không giao thoa, những vấn đề đã rõ, quy định ở các luật khác phải được tiếp tục thực hiện.

Liên quan đến di sản địa chất, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, trong quá trình xây dựng dự án Luật đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét sửa đổi và sẽ tính toán cho chặt chẽ, bảo đảm thống nhất về phạm vi của dự thảo luật với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Anh Thảo